Ok

En poursuivant votre navigation sur ce site, vous acceptez l'utilisation de cookies. Ces derniers assurent le bon fonctionnement de nos services. En savoir plus.

26 décembre 2020

Roi đánh nghịch, Đánh lướt, Tiệt, Hoạt

Trong quyển « Lịch sử võ học Việt Nam », Phạm Đình Phong tự Phạm Phong (sanh 1952) có kể là tại Bình Định cuối thời Tây Sơn (1778-1802) có lưu truyền hai chiến thuật đánh roi :

  • Roi đánh nghịch (lấy nghịch chế thuận), sau là sở trường của Hồ Nhu (1886-1976), danh sư làng Thuận Truyền,
  • Roi cộng lực.

Họ Phạm tả Roi đánh nghịch như sau :

« Đến gần cuối thời Tây Sơn còn xuất hiện các loại Roi « đánh nghịch », Roi « cộng lực ». Loại hình này được lưu truyền ở một số dòng tộc nổi tiếng ở Bình Định, nhưng tiếc thay đến nay đã bị thất truyền. Theo các võ sư tiền bối và tương truyền, Roi « đánh nghịch » (lấy nghịch chế thuận) là đánh ngược chiều với Roi thông thường (Roi thông thường đánh theo chiều thuận), nhằm gây bất ngờ, làm cho đối phương lúng túng, hoang mang mất phương hướng, xoay trở không kịp. Bởi vì một khi đang ở tư thế chuyển động đường roi theo hướng thuận cùng với ngọn roi của đối phương, bổng bất thần chuyển thế và nhanh như chớp đổi hướng xoay ngược đường roi, làm cho đối thủ ngỡ ngàng bị mất đà, không kịp kéo ngọn roi về truy cản. Chính thời khắc lúng túng, ngỡ ngàng này người bày mưu nhanh chóng phát hiện sơ hở để tung đòn quyết định, hạ nhanh đối phương. »

« Tuy nhiên, việc sử dụng bí quyết này phải hết sức tinh tường, linh hoạt và chỉ áp dụng trong từng đối thủ, từng tình huống và địa hình cụ thể. Đặc biệt phải biết sử dụng thuần thục « bộ triệt » một cách quyết đoán, nhất là khi bị đối phương có trình độ võ công cao hơn, tinh lực thâm hậu hơn, thì phải lập tức « đảo ngược tình thế » chuyển phách roi theo hướng thuận rồi đảo thế áp sát đường roi tấn công vào ngọn roi của đối phương đang khai triển, nhằm « cộng thêm sức lực » của cả hai để bất thần đảo ngược đường roi và nhanh như chớp tiến tới đâm thế « so đũa » hay biến thành thế « Lạc côn » để đâm vào tử huyệt... »

[Phạm Phong 2012 : 499]

Từ nghịch ở đây chỉ định động tác đi ngược lại đường roi của đối thủ.

Thông thường người mới học gạt đòn công của đối phương qua bên, lên trên hay xuống dưới.

Nhưng Roi đánh nghịch là một lối đỡ gạt khác, và đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn.

Phạm Phong thuật lại :

« Đặc điểm roi Hồ Nhu thường đánh nghịch, lấy nghịch chế thuận [...] và khi bị đối phương tấn công thì không đỡ mà lượn theo ngọn roi của đối phương để trả đòn, để đánh hạ đối thủ.»

[Phạm Đình Phong 2000 : 103]

 

Đây là một áp dụng của nguyên lý Tiệt () thông dụng trong võ thuật Trung Quốc, thế gạt đánh tới trước, nghinh đón và đưa đòn công của địch ra ngoài Trung tuyến, thường bằng một động tác xoắn ốc, để rồi tiếp tục đánh vào thân thể đối thủ. Đòn đỡ và đòn công được thực hiện trong một động tác.

Ngô Trọng Sơn phân biệt hai phương pháp :

  • Đánh lướt,
  • Đánh vuốt.

Đánh lướt, dũng mãnh, chiếm trung tuyến, hất binh khí của đối thủ. Trong khi Đánh vuốt, tế nhị hơn, dùng áp lực nhỏ, tinh tế hơn. Trong hai trường hợp côn của ta trượt trên côn đối thủ, thân côn nầy như « đường rày xe lửa » dẫn đòn công của ta tới địch nhân.

 

Phương thức « đỡ rồi phản đòn » diễn qua hai động tác, quá chậm, vì địch thủ có thời giờ tấn công tiếp một lần nữa.

Vì vậy, năm 1553, nhà kiến trúc, kỹ sư và kiếm sĩ người Ý, Camillo Agrippa, trong quyển « Trattato di Scienza d’Arme » (Luận về khoa học vũ khí) gọi Medesimo tempo (Đồng thời) cách thức đỡ và phản công trong một động tác.

a- Xoắn ngang

Tại Bình Định, Quách Tạo có tả thế Đâm so đũa, một thí dụ điển hình của Roi đánh nghịch :

« Tay sau vừa vòng lên (hoặc xuống) gạt ngọn roi đối phương, vừa đẩy roi ra trước đâm tới hoặc cùng tay trước cộng sức đâm tới. Thế đâm so đũa bao giờ cũng chiếm tiên cơ. »

[Quách Tấn và Quách Giao 2001 : 38]

Hai thân côn nằm song song như ta so đũa trước khi ăn cơm.

Thế côn của ta, với một động tác xoắn ốc, tiến nghinh đón và hất thế đâm của đối thủ ngoài Trung môn bằng lực ly tâm, và tiếp tục đâm vào thân của địch thủ.

Phương trình được viết như sau :

Lực ly tâm = m x ω² x R

 

m là khối lượng, ω là tốc độ xoay của côn, R là đường bán kính của cán côn.

Vậy với cây côn nặng và to, ta hất dể dàng hơn côn địch nhân ngoài trung tuyến. Nhưng tốc độ quan trọng hơn, vì trong phương trình trên, ta có : ω² (ω bình phương) nên ta phải luyện tăng tốc độ bằng cách xoay cổ tay.

Cổn trát (滚劄) là một trong mười thế Trát pháp (劄法) của quân sư Trung Quốc Đường Thuận Chi và cùng là thế tương đương với thế Đâm so đũa.

Phái Âm bả thương (隂把槍) chuyên luyện bài Du thương (悠槍), là rút thương về và đâm bằng động tác xoắn ốc trên trung tuyến.

 

Nghệ thuật đánh thương và roi

Nguyễn Quí Jacques và Thomas Dufresne

13 août 2010

Những phát hiện mới về Thái Cực Quyền

 

Năm 2003, quyển Lý thị gia phổ (李氏家譜) được khám phá. Quyển chép tay đó là nguyên tác của Lý Nguyên Thiện (李元善, 1642-?), soạn vào năm 1716. Lịch sữ gia Vương Hưng Á (王興亞, sanh năm 1936) đã nghiên cứu bản sao này. Sách có ghi lại là hai họ Lý và Trần (Trần Vương Đình) là bà con họ hàng.

Và ta có thể đọc là Lý Xuân Mậu (
李春茂, 1568-1666) có học quyền, kiếm, thương, cung, binh thư, và đạo giáo với Bác Công Võ Dạo (博公武道) tại chùa Thiên Tải (千載寺), tại làng Đường thôn (唐村), huyện Bác Ái (博愛縣), tỉnh Hà Nam (河南). Đường thôn cách Trần gia câu, khoảng 20 cây số. Và chùa Thiên Tải thờ Đạo, Phật và Khổng giáo. Trong cung Thái Cực (太極宮) của chùa, Lý Xuân Mậu đã tập hai môn Vô Cực dưỡng sinh công (Wuji Yangsheng Gong, 無極養生功) và Thập tam thế quyền (十三勢拳). Và họ Lý sau đó có soạn vào năm 1590, hai bài Vô Cực dưỡng sinh quyền luận (無極養生拳論) và Thập tam thế hành công ca (十三勢行功歌). Bài cuối này rất giống bài Thập tam thế hành công ca của Vương Tông Nhạc (王宗嶽).

Hai người con của Lý Xuân Mậu là Lý Trọng (李仲, 1598-1689) , Lý Tín (李信, 1606-1644), và cháu của Lý Xuân Mậu là Trần Vương Đình  củng có tập võ tại chùa Thiên Tải. Ba anh em sau có chế tác môn Thái Cực dưỡng sinh công (太極養生功). Lý Trọng là cha của Lý Nguyên Thiện, tác giả của quyển Lý thị gia phổ. Còn Lý Tín với biệt danh Lý Nham (李岩) là một tướng của Lý Tự Thành (李自成, 1606-1645), người lật đổ Sùng Trinh (崇禎, 1611-1644), hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Minh (明朝).

Năm 2002, Diệc Phàm (亦凡) tìm được tại làng Đường, một bản Thái Cực quyền luận (太極拳論), của Lý Hạc Lâm (李鶴林, 1716-1808), cháu cố của Lý Xuân Mậu, viết vào tháng 12 năm 1786. Bài này y như bài cùng tên của Vương Tông Nhạc. Lý Hạc Lâm có soạn bài Đả thủ ca  (打手歌). Ta biết là có một bài ca cùng tên nằm trong Thái Cực quyền phổ gán cho Vương Tông Nhạc.
Theo bô lảo của làng Đường kể lại, trước Cách mạng văn hóa (1966-1976), tại cửa nhà của Lý Hạc Lâm có một tấm bản ghi bốn chữ « Võ nguyên kiệt đệ » (
武元傑第), với chữ ký « Môn đệ Vương Tông Nhạc » (門弟王宗嶽), viết vào « Càn Long ngũ thập bát niên » (乾隆五十八年), tức là năm 1793.
Xin nhắc lại là các bài luận của Vương Tông Nhạc được tìm thấy bởi người anh của Võ Vũ Tường vào năm 1852, trong một tiệm bán muối  tại huyện Vũ dương (
舞陽县). Và con trai của Lý Hạc Lâm là Lý Vĩnh Đạt (李永達) là chủ một tiệm bán muối tại huyện Vũ dương.
Những sự kiện này làm sáng tỏ nguồn gốc của môn Thái Cực quyền, chúng tôi sẻ bàn nhiều hơn trong các bài sau…

 

14 juillet 2010

Bạch Hạc Quyền, giả tưởng và thực tại

 

Chúng ta từng đọc qua chuyện môn Bạch Hạc Quyền và sư tổ Ngũ Mai sư bá. Và một thời sách võ có chép lại truyền thuyết nầy. Nên trong giới võ thuật nhiều người tin chuyện Ngũ Mai sư bá luyện Bạch Hạc Quyền tại tỉnh Vân Nam.

Sự thật Ngũ Mai sư bá chỉ là một nhân vật tiểu thuyết. Quyển "Càn Long tuần hạnh Giang Nam ký", xuất bản cuối thế kỷ thứ 19 tại Thượng Hải, lần đầu tiên kể chuyện Ngũ Mai đánh thắng Lôi Lão Hổ trên lôi đài. Sau đó, trong "Lã Mai Nương" của Tề Phong Quân, nhân vật Ngũ Mai làm chưởng môn Bạch Hạc.

Trên thực tế, chúng tôi chỉ tìm ra hai môn Bạch Hạc. Hai môn nầy đều thịnh hành tại miền Nam Trung Quốc.

 

Môn thứ nhất gốc từ tỉnh Phước Kiến, huyện Vĩnh Xuân, nên có tên Vĩnh Xuân Bạch Hạc Quyền, được sáng lập bởi Phương Thất Nương vào thế kỷ thứ 17. Phương Thất Nương và chồng, Tăng Tứ, có hai mươi tám học trò được gọi là "Nhị thập bát anh tuấn", nổi bật nhất trong đám là Trịnh Lể (1654- ?).

Trịnh Lể là người sau đó phát triển mạnh môn phái, ông có rất nhiều học trò toàn tỉnh Phước Kiến. Trong môn đồ thế hệ sau, có nhiều người đổ Võ trang nguyên hay Võ Tú tài. Môn Bạch Hạc là một trong những đại môn phái của Phước Kiến.

Về sau năm chi phái khác được khai sáng, đó là Phi Hạc (con hạc bay), Minh Hạc (con hạc hót), Tông Hạc (con hạc rung thân), Thực Hạc (con hạc ăn) và Túc Hạc (con hạc ngũ).

Vĩnh Xuân Bạch Hạc Quyền có đặc điểm của các môn phái tỉnh Phước Kiến. Môn sinh tiến lên đường chính diện để tấn công địch thủ, giữ đường đó để phòng thủ (tung tý ngọ môn hộ biến hóa). Vì chuyên cận chiến nên tìm cách niêm tay địch, theo dính cho tới lúc tìm được sơ hở (vô kiều đả xuất kiều, lâm kiều bất ly kiều), niêm được thì phá tay địch rồi tấn công (hữu kiều tựu phá kiều).

Nguyên tắc "thôn thổ phù trầm" là nền tảng của môn phái : vì đánh cận chiến nên phải dùng cột xương sống trồi lên sụp xuống, hợp với hít thở để phát lực.

Và lúc ra đòn thì miệng hét (dĩ thanh trợ lực), đây là một trong những đặc điểm của các môn phái vùng Quảng Đông, Phước Kiến...

Một trong những bài quyền của môn phái có tên là Tam chiến quyền, tên nầy được tìm thấy trong hầu hết các môn phái tỉnh Phước Kiến. Võ thuật đảo Okinawa, vì ảnh hưởng bởi võ của tỉnh Phước Kiến, nên có bài Sanchin, Sanchin là phát âm tiếng Nhật của hai chữ Tam chiến.

Xin nói thêm về đặc điểm riêng của mấy chi phái thành lập sau nầy :

- Phi Hạc chuyên về bộ pháp, rất linh động như hạc bay, và ưa dùng đòn chân,

- Minh Hạc vừa đánh vừa phát tiếng, mủi hít miệng hô, như chim hót,

- Tông Hạc phát lực dùng hết thân mình, nên thân rung chuyển,

- Thực Hạc chuyên dùng chân và chỉ, đặc biệt mấy ngón tay chúm lại, như mỏ con chim đang ăn, để tấn công.

 

Môn Bạch Hạc thứ nhì, được nhà sư Tinh Long truyền tại tỉnh Quảng Đông vào đầu thế kỷ thứ 19, chia thành 4 chi phái :

-Bạch Hạc Quyền,

-Hiệp Gia,

-Sư Tử Hống và

-Lạt Ma Quyền.

Một trong những học trò của Tinh Long là Vương Ẩn Lâm, tên thật là Phi Long, nổi danh tỉnh Quảng Đông, thuộc "Quảng Đông thập hổ", cùng thời với Thiết Kiều Tam, Hoàng Kỳ Anh (cha của Hoàng Phi Hồng, danh sư môn Hồng Gia).

Những môn nầy có đặc điểm của môn võ tỉnh Quảng Đông. Tất cả đều xữ dụng tấn rộng, đánh dài (trường kiều đại mã), và chuyên dùng eo để phát đòn, hai cánh tay như hai cây roi.

 

Nguyễn Quí Jacques & Dufresne Thomas

10 juillet 2010

BUBISHI, quyền kinh của Karaté đảo Okinawa

 

 

Trong giới Karaté đảo Okinawa, từ khoảng thế kỷ thứ 19, có lưu truyền một quyển sách võ thuật Trung Hoa, có tên là Bubishi (武備志, Võ bị chí).

Nguyên văn của tác phẩm chỉ định là tư liệu của môn Vĩnh Xuân Bạch Hạc Quyền永春白鶴拳, một phái rất thịnh hành miền Nam Trung Quốc.

 

Tuy trùng tên, quyển sách này khác hẳn với hai quyển Võ bị chí 武備志 (soạn bởi Mao Nguyên Nghĩa 茅元儀), và Võ bị tân thư 武備新書.

Cuốn Bubishi đã ảnh hưởng rất nhiều hai chi phái Karaté Okinawa và Nhật Bản. Gichin Funakoshi (1868-1957), ông tổ của môn Karaté Nhật Bản, có trích vài đoạn đăng trong tác phẩm của ông ta.

 

Chúng tôi xin dịch bài ca chủ yếu của Bubishi, dựa vào truyền thống võ thuật Trung Hoa, và nhất là tài liệu của môn Vĩnh Xuân Bạch Hạc Quyền. Trước đây những bản dịch được thực hiện trong bối cảnh Karaté và văn hóa Okinawa hay Nhật Bản.

 

Chúng tôi có tham khảo những tài liệu sau đây :

- 渾元劍經, Hồn nguyên kiếm kinh, Tất Khôn, soạn vào thế kỷ thứ 14.

- 紀效新書, Ký hiệu tân thư, Thích Kế Quang, xuất bản lần đầu tiên năm 1562.

- 永春白鶴拳, Vĩnh Xuân Bạch Hạc Quyền, Hồng Chánh Phước, Lâm Ẩm Sinh và Tô Doanh Hán, Nhân dân thể dục xuất bản xã, Trung Quốc, 1990.

- 白鶴拳家正法, Bạch Hạc quyền gia chánh pháp, Lâm Đổng (sống dưới thời Càn Long : 1736-1796), Tô Doanh Hán và Tô Quân Nghị chú thích, Dật văn xuất bản hữu hạn công ty, Đài Bắc, 2004.

- 白鶴仙師祖傳真法, Bạch Hạc tiên sư tổ truyền chân pháp, tác giả vô danh (thời nhà Thanh), Tô Doanh Hán và Tô Quân Nghị chú thích, Dật văn xuất bản hữu hạn công ty, Đài Bắc, 2004.

- 桃源拳術, Đào nguyên quyền thuật, Tiêu Bá Thực, Tô Doanh Hán và Tô Quân Nghị chú thích, Dật văn xuất bản hữu hạn công ty, Đài Bắc, 2004.

- 方七娘拳祖, Phương Thất Nương quyền tổ, tác giả vô danh, Tô Doanh Hán và Tô Quân Nghị chú thích, Dật văn xuất bản hữu hạn công ty, Đài Bắc, 2004.

- 永春鄭禮叔教傳拳法, Vĩnh Xuân Trịnh Lể thúc giáo truyền quyền pháp, Tô Doanh Hán và Tô Quân Nghị chú thích, Dật văn xuất bản hữu hạn công ty, Đài Bắc, 2004.

- 自述切要條文, Tự thuật thiết yếu kiệt văn, Trịnh Tiều (sống dưới thời Càn Long : 1736-1796), Tô Doanh Hán và Tô Quân Nghị chú thích, Dật văn xuất bản hữu hạn công ty, Đài Bắc, 2004.

- 中國古文大辭典, Dictionnaire classique de la langue chinoise, Trung Quốc cổ văn đại từ điển, F. S. Couvreur, Kuangchi Press, 1966.

- 漢法綜合辭典, Dictionnaire français de la langue chinoise (Hán Pháp tống hợp từ điển), Institut Ricci, Taibei-Paris, 1986.

- 漢語大字典, Hanyu da zidian (Hán ngữ đại tự điển), Hubei-Sichuan, 1993.

- 漢越字典, Hán Việt tự điển, Thiều Chửu, Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, 1993.

 

Xin trình bày sau đây bản dịch mới :

 

拳法 之 大 要 八 句
Quyền pháp chi đại yếu bát cú
« Thiết yếu của quyền pháp (tóm gọn trong) tám câu »




人 心 同 天 地
Nhân tâm đồng thiên địa
« Tâm của nguời hòa hợp với trời đất »

Chú thích :

Tâm theo nghĩa xưa là tư tưởng, trí tuệ.

Thiên điạ là trời và đất, là thế giới chung quanh ta.

Như vậy, ta có thể hiểu câu này là : « Tư tưởng ta tập trung theo dỏi thế giới chung quanh ta ».
Vậy câu thứ nhứt luận về thâm tâm của người luyện quyền hay võ sĩ lúc chiến đấu.


血 脈 似 日 月
Huyết mạch tự nhật nguyệt
« Máu lưu thông như mặt trời (với) mặt trăng »

Chú thích :

Thân thể thả lỏng, những cơ khớp đều dính liền với nhau.
Trong khi năm chữ đầu nhấn mạnh tới sự tập trung của tinh thần, thì năm chữ sau dạy là thân thể phải sẳn sàng chiến đấu.

法剛 柔 吞 吐
Pháp cương nhu thôn thổ
« Phương pháp (là sử dụng) cương nhu (và) thôn thổ »

Chú thích :

Cương nhu vừa là nguyên lý phát lực sử kình vừa là nguyên tắc chiến đấu.
Đây là một khái niệm cổ truyền trong quyền thuật miền Bắc (Thiếu Lâm quyền
少林拳, Thái Cực quyền 太極拳, Trường Gia quyền 萇家拳, Tâm Ý Lục Hợp quyền 心意六合拳, Đường Lang quyền 螳螂拳, vân vân), và miền Nam (Vịnh Xuân quyền 詠春拳, Hồng Gia 洪家, Bạch Mi 白眉, vân vân).

Lúc dùng kình lực, thì thân thể buông lỏng, và kình chỉ phát lúc cần thiết. Môn Trần Gia Thái Cực với đòn thế lúc nhu lúc cương minh họa khái niệm này.
Khi chiến đấu, lý Cương Nhu được hiểu theo hai cách. Lúc thì dùng cái mạnh của ta để thắng cái yều của địch thủ, đó là « Dỉ cương thắng nhu » hay « Dỉ cường thắng nhược ». Lúc thì dùng cái mềm nhẻo của ta để chế ngự cái mạnh cứng của đối phương, bằng cách mượn sức của địch nhân, người xưa có câu « Dỉ nhu chế cương ».

Nhưng động cơ của Cương nhu là Thôn thổ. Trước tiên, ta có thể dịch thôn và thổ là thở ra và hít vào. Nhưng hơi thở dính liền với chuyển động của thân thể. Thí dụ, thôn là co người lại để đở một thế công của địch nhân, và thổ là vương người tới, như con cọp phóng tới, để phản công. Muốn như vậy, cột sống được sử dụng như cái lò xo. Thôn là ép lò xo, thổ là lò xo bún ra… Hai động tác thôn thổ vừa tương phản vừa tương trợ.

Thôn thổ củng là một khái niệm có tại hai miền Nam và Bắc. Nguyên từ ngữ này là « thôn thổ phù trầm » (吞吐浮沉).

Nhưng ta không nên kết luận là thôn chỉ là nhu, và thổ chỉ là cương. Kình lực học của võ thuật Trung Hoa phức tạp hơn như ta có thể lầm tưởng.

Như vậy câu thứ ba này đưa ta vào lảnh vực chiến lược học…

身 隨 時 應 變
Thân tùy thời ứng biến
« Thân thể tùy theo thời cơ mà đối đáp »

Chú thích :

Ta có tìm thấy từ ngữ này trong tác phẩm của hiệp sĩ Tất Khôn (
畢坤) (thế kỷ thứ 14). Và hai thế kỷ sau, đại tướng Thích Kế Quang (戚繼光) (1528-1588) có khuyên là « Tiến nhanh (và) tùy cơ ứng biến » (一霎步隨機應變
, Nhất siếp bộ tùy cơ ứng biến).
Vì một võ sĩ giỏi chiến đấu không áp dụng một cách triệt để những đòn thế đã luyện qua. Tuy rành chiến lược, tuy đã luyện thuần thục chiến thuật, anh ta củng phải tùy theo thời cơ mà chiến đấu.

手 逢 空 則 入
Thủ phùng không tắc nhập
« Tay gặp khoảng không là tiến vào »

Chú thích :

Không môn (空門) là một danh từ thường dùng trong môn Vĩnh Xuân Bạch Hạc Quyền.
Nói một cách khác, Không môn là cữa đã mở (danh từ khác là Khai môn,
開門
). Đây là một nguyên lý cơ bản và quan trọng của võ thuật Trung Hoa. Muốn đánh địch như muốn vào nhà. Và muốn vào nhà thì ta phải mở cửa.

馬 進 退 離 逢
Mã tiến thối ly phùng
« Di chuyển có tiến và lùi (và) lúc rời xa lúc tiến gần »

Chú thích :

Ở đây chúng tôi nghỉ là quyển Bubishi viết sai chữ Mã. Vì chữ Mã (, cái cân) không có nghĩa trong câu trên. Ngược lại nếu ta đổi thành chữ Mã (, con ngựa, và trong giới võ thuật miền Nam, có nghĩa là di chuyển), ý nghĩa đoạn văn rỏ ràng ngay.
Năm chữ trên có vẻ tầm thường như hai chữ thôn thổ trước đó. Thật sự, câu thứ sáu này tóm gọn một khái niệm chủ yếu của chiến lược võ thuật Trung Hoa : chế ngự không gian và thời gian trong chiến đấu pháp.

目 要 觀 四 面
Mục yếu quan tứ diện
« Mắt phải nhìn bốn mặt »

Chú thích : Bốn mặt là bốn hướng.

耳 能 聽 八 方
Nhỉ năng thính bát phương
« Tai phải nghe tám hướng »

Chú thích : Bát phương chỉ bốn hướng chánh và bốn gốc.

Như vậy hai câu đầu và hai câu chót của bài ca, luận về sự chú ý, sự cảnh giác, sự tập trung tinh thần, sự nới giản của thân thể trước và trong khi giao chiến. Và bốn câu giữa luận tới hai phần sữ kình và chiến lược.

Để độc giả có thể kiểm soát bản dịch của chúng tôi nằm trong khuôn khổ văn hóa của Vĩnh Xuân Bạch Hạc Quyền, chúng tôi ghi lại sau đây vài đoạn trích từ quyển « Bạch Hạc quyền gia chánh pháp » (白鶴拳家正法), có từ thế kỷ thứ 18 :

眼 觀 四 面
Nhản quan tứ diện
« Mắt nhìn bốn mặt »

耳 聽 八 方
Nhỉ thính bát phương
« Tai nghe tám hướng »

[...]

逢 剛 則 柔
Phùng cương tắc nhu
« Gặp cương (ta) phải nhu »

逢 柔 則 剛

Phùng nhu tắc cương
« Gặp nhu (ta) phải cương »

遇 空 則 入

Ngộ không tắc nhập
« (Ta) gặp khoảng không thì (ta liền) vào »

遇 門 則 過
Ngộ môn tắc quá
« (Ta) thấy cửa thì (ta) đi qua »

[...]

必 須 內 用 吞 吐 浮 沉
Tất tu nội dụng thôn thổ phù trầm
« Ở trong thì phải dùng Thôn thổ phù trầm »

外 用 剛 柔 相 濟 之 變化
Ngoại dụng cương nhu tương tể chi biến hóa
« Ở ngoài dùng biến hóa của cương nhu »


© Nguyễn Quí Jacques và Dufresne Thomas, 2010.

11 janvier 2008

Đường Lang Quyền - Nhìn tổng quát

Đường Lang Quyền, môn võ bắt chước đôi chân trước con bọ ngựa, chia ra hai chi phái không liên hệ lịch sử, Bắc phái tại hai tỉnh Sơn Đông và Hà Bắc và Nam phái tại hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Và hiện nay phải nói tới môn thứ ba là Tân Đường Lang Quyền.

Bắc Phái Đường Lang Quyền
Theo truyền thuyết, Bắc Phái Đường Lang Quyền được sáng lập bởi Vương Lang vào thế kỷ thứ 17, tại tỉnh Sơn Đông. Quyển Thiếu Lâm y bát chân truyền soạn bởi Thừng Tiêu đạo nhân vào thế kỷ thứ 18, là chứng tích xưa nhất của môn Bắc Phái Đường Lang. Nhưng vì phả hệ không được rỏ ràng tới thế hệ danh sư cận đại, nên chúng tôi chỉ ghi lại tên của những vị võ sư đó.
Ta phân biệt bốn nhóm trong Bắc Phái Đường Lang Quyền.
Nhóm thứ nhất là Mai Hoa Đường Lang Quyền thịnh hành nhất tại Sơn Đông. Chi phái này bắt nguồn từ Lương Học Hương khoảng cuối thế kỷ thứ 19. Từ bốn người học trò của ông, là Hác Liên Như, Lương Trung Xuyên, Tôn Nguyên Xương và Khương Hóa Long, phát sinh ra nhiều chi phái.
Sau Lương Học Hương, chi nhánh của Hác Liên Như đổi tên là Thái Cực Mai Hoa Đường Lang Quyền. Còn chi phái của Lương Trung Xuyên, giữ tên Mai Hoa Đường Lang Quyền.
Chi nhánh Thái Cực Đường Lang Quyền của Tôn Nguyên Xương gia nhập Việt Nam truyền bởi Triệu Trúc Khê (1898-1991).
Đệ tử của Khương Hóa Long, Lý Côn Sơn (1895-1980) đem Mai Hoa Đường Lang Quyền tới Đài Loan, nhưng lại mang tên Thất Tinh Đường Lang Quyền.
Tại Đài Loan, Vệ Tiêu Đường (1901-1984), đệ tử đời thứ hai của Khương Hóa Long truyền môn Bát Bộ Đường Lang Quyền, phối hợp Mai Hoa Đường Lang Quyền với Bái Quái Chưởng, Hình Ý Quyền và Thông Bối Quyền.
Còn Vương Tùng Đình, thuộc dòng Lương Trung Xuyên, sáng lập môn Trường Quyền Đường Lang Quyền, hổn hợp Trường Quyền và Đường Lang, môn này thịnh hành tại Đài Loan. Truyền nhân được biết nhất hiện nay là Cao Đạo Sinh.
Và ta phải nói tới Bí Môn Đường Lang Quyền, một chế tác của Vương Tự Kính, học trò của Khương Hóa Long.

Nhóm thứ nhì là Thất Tinh Đường Lang Quyền truyền từ Lý Tam Tiển (thế kỷ thứ 19). Từ hai đệ tử chánh của họ Lý, nhóm này chia thành hai chi nhánh.
Chi phái của Vương Vinh Sinh (1854-1926), truyền bởi La Quang Ngọc (1888-1944) tại Thượng Hải Tinh Võ Hội, hiện bành trướng tại Quảng Đông, Hương Cảng và Châu Mỹ, và Lâm Cảnh Sơn (1885-1971) tại Sơn Đông. Hoàng Hán Huân, đệ tử của La Quang Ngọc, có viết hơn bảy mươi quyển sách, góp tài liệu cho việc nghiên cứu chi nhánh này.
Chi nhánh của Vương Vân Bằng (1875-1959) truyền tại Sơn Đông bởi Vương Khánh Trai, Vương Khiêm Võ...

Mai Hoa và Thất Tinh Đường Lang Quyền đều có chung một chương trình dựa trên bốn bài quyền trọng yếu : Băng bộ, Lan tiệt (Loạn tiệp), Bát trửu và Trích yếu.
Theo chúng tôi nghỉ, hai môn này cùng một gốc vì đòn thế và lý thuyết đều giống nhau.


Môn thứ ba tại Sơn Đông là Lục Hợp Đường Lang Quyền, một môn bắt nguồn từ Ngụy Đức Lâm (đầu thế kỷ thứ 19). Đời sau, Lâm Thế Xuân hổn hợp Đường Lang Quyền với Lục Hợp đoản trùy. Chi phái này được phát triển tại Sơn Đông bởi đệ tử của Đinh Tử Thành, và truyền bá tại Đài Loan bởi Trương Tường Tam và Lưu Vân Tiêu (1909-1992). Chi phái chuyên dùng Tứ lục bộ với đòn thế khác hẳn những chi nhánh trước tùy vẩn nhìn nhận cùng một tổ là Vương Lang.

Tại tỉnh Hà Bắc, huyện Thương, còn lưu truyền môn Thông Bối Đường Lang Quyền bắt nguồn từ Dương Tuấn Phổ (cuối thế kỷ thứ 19).

Tất cả chi nhánh trên đều sử dụng nguyên lý tiệt, và niêm. Võ sinh đều sử dụng hai tay như hai chân trước con bọ ngựa tiếp đón đòn công địch thủ lúc mới phát, dính liền tay đối thủ để tạo sơ hở, và phản công. Nói chung, Bắc Phái Đường Lang Quyền đánh rộng hơn Nam Phái Đường Lang Quyền và chỉ dùng eo thân để phát lực.

Nam Phái Đường Lang Quyền
Gồm hai môn phái thịnh hành tại Quảng Đông. Hai môn này có lý thuyết và đòn thế rất giống nhau nên chúng ta nghỉ là có sự liên hệ lịch sử giữa hai môn.
Môn thứ nhất là Châu gia Đường Lang Quyền, theo truyền thuyết được sáng lập bởi Châu Á Nam tại tỉnh Quảng Đông, sau chia ra hai chi nhánh Châu Gia và Chu Gia. Một thời môn chỉ được truyền trong giới người Khách Gia (Hakka, hay người Hẹ).
Môn thứ nhì là Trúc Lâm Đường Lang Quyền sáng tạo bởi nhà sư Tam Đạt tại chùa Trúc Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây.
Nam Phái Đường Lang Quyền chuyên đòn ngắn, áp dụng nguyên tắc "phù trầm thôn thổ" để phát lực. Đón thế có nét của quyền thuật tỉnh Phước Kiến. Bài Tam tiển của Châu Gia Đường Lang Quyền là biến thể của bài Tam chiến, căn bản của Vĩnh Xuân Bạch Hạc Quyền.

Tân Đường Lang Quyền
Là một môn chỉ dành biểu diễn, tấn pháp đứng thật thấp mới sáng chế bởi Vu Hải (sanh năm 1942), một vận động viên của bộ môn Wushu, một đệ tử của Thất Tinh và Mai Hoa Đường Lang Quyền kiêm tài tử điện ảnh (ông có đóng vai trong phim "Thiếu Lâm tự" và nhiều phim khác). Môn này được xem như môn thể thao hơn là quyền thuật.

28 septembre 2007

Vịnh Xuân Thốn kình xung quyền

Đó là "đòn đấm không cần lấy đà" (the one-inch punch) đã làm nổi danh Lý Tiểu Long tại Long Beach vào năm 1964. Đòn nầy thật sự không khó, chỉ cần nắm vửng vài yếu quyết. Hai tác giả thuở xưa thường hay biểu diễn đòn đấm nầy với bạn bè.
Người biểu diễn đưa thẳng tay ra, để nắm tay đụng vào người đối thủ, đối thủ đứng hai chân ngang bằng. Sau đó, kéo tay về sau cỡ một centimét (như chúng ta sẽ thấy sau đây, ta càng ít kéo tay về sau cuộc biểu diễn càng ngoạn mục bây nhiêu). Rồi phát đòn đấm gần như không lấy đà làm cho đối thủ bị văng ra xa.
Sự kiện là người bị đấm văng ra sau thay vì ngã tại chỗ chứng tỏ đây là một đòn đẩy chớ không phải là một đòn đánh ! Trong những cuộc tranh tài quyền Anh, chúng ta từng thấy võ sĩ trúng đòn gần như ngả gục tại chỗ, chính những phim ảnh võ thuật đả đưa ra hình ảnh giả tạo của người võ sĩ bị đánh văng ra xa.
Dỉ nhiên trước khi muốn đẩy, chúng ta không cần rời nắm tay khỏi người địch thủ. Và muốn cho cuộc biểu diễn nầy thành công hơn, chúng ta phải cho khán giả lầm tưởng là ta dùng một đòn đánh.
Nhiều yếu quyết khác được sử dụng. Như khi đẩy, ta đặt nắm tay vào chấn thủy của đối phương, như vậy lúc bị đẩy, sự đau nhói tại chấn thủy cho đối phương cảm tưởng là bị đánh !
Điểm thứ nhì là trước khi phát đòn, ta đẩy nhẹ đối thủ về sau làm cho y đứng trên gót chân, đòn xô của ta sau đó dể thực hiện và ngoạn mục hơn. Như vậy chúng ta dể hiểu là rút tay lại trước khi đánh sẽ giúp cho đối phương, lúc đó đặt trọng tâm trên đầu ngón chân, chống lại sức đẩy của ta! Chủ yếu của thuật biểu diễn là làm cho khán giả lầm tưởng là những điều đó làm trở ngại cho cuộc biểu diễn, khi thật sự giúp ta thực hiện cuộc biểu diễn !
Một cách khác làm cho đối thủ đứng trên đầu ngón chân và cho tay mình hơi cong nơi cùi chỏ là sau lúc chạm vào người đối phương, ta hơi cong cổ tay, như vậy chỏ tự nhiên cong lại. Lúc phát đòn, ta dùng lực phát xuất từ chỏ và cổ tay, vì vậy, đòn nầy còn được gọi là "Uyển lực xung quyền" hay thế đấm dùng lực phát từ cổ tay.
Cuối cùng ta có thể đặt một cái ghế sau lưng đối phương. Khán giả lầm tưởng ta thận trọng muốn tránh cho đối phương khỏi bị thương sau khi chịu đòn của ta. Nhưng thật sự cái ghế chặn đối phương lui lại. Nếu đối thủ để giữ thăng bằng, muốn lùi chân thì chạm vào chân ghế và té trên ghế !
Chúng tôi xin nhắc lại là lực dùng trong đòn đẩy nêu trên phát xuất từ :
- sự di chuyển của trọng tâm thân thể từ chân sau tới chân trước,
- sự chuyển động của eo,
- sự co duỗi của cột xương sống,
- sự mỡ ra và khép lại của lòng ngực.
Tay chỉ dùng để chuyển lực đó tới người địch thủ.
Để kết thúc bài báo nầy, chúng tôi nhấn mạnh là một đòn đấm chỉ dùng để đánh, áp dụng một kình lực tàn phá, tay đấm chỉ chạm vào người địch thủ trong một thời gian rất ngắn, lúc chỏ đã hoàn toàn thẳng, khi kình lực tàn phá được phát huy tới mức độ cao nhất. Địch thủ bị trúng đòn, ngã gục tại chỗ.
Hiện nay, vì một mục đích biểu diễn, có võ sĩ sử dụng đòn đấm để đẩy, thật trái hẳn với nguyên lý của một thế đấm. Muốn đẩy thì ta nên sử dụng bàn tay vì tay đẩy phải dính liền với người đối thủ từ lúc cùi chỏ còn cong tới lúc thẳng ra, kình lực đẩy mới truyền hết qua người địch. Đối thủ lúc đó bị hất ra xa.

Nguyễn Quí Jacques và Dufresne Thomas

26 septembre 2007

Hình Ý Quyền, nguồn gốc và chi phái

Nguồn gốc :

Hình Ý Quyền là một trong ba môn võ hiện được xếp trong Nội Gia mà truyền thuyết cho xuất phát từ núi Võ Đang. Sự thật môn Hình Ý Quyền, lúc đầu mang tên Lục Hợp Quyền, bắt nguồn từ Cơ Tế Khả, biệt danh Long Phong (1602-1683), người tỉnh Sơn Tây. Tài liệu có ghi lại là Cơ Tế Khả có viếng chùa Thiếu Lâm. Hiện nay tại chùa vẩn còn lưu truyền bài Tâm ý bả, với đòn thế rất giống môn Hình Ý hiện đại.
Cơ Tế Khả có hai học trò Tào Kế Võ và Trịnh lão sư.
Tào Kế Võ là một vị tướng dưới triều Hoàng đế Khánh Hy (1662-1772), và dạy cho hai anh em Đới Long Bang (khoảng 1713-1802) và Đới Lăng Bang, người tỉnh Sơn Tây.
Còn Trịnh Lão sư dạy cho Mã Học Lể (khoảng 1715-1790), người tỉnh Hà Nam.
Từ hai nhân vật Đới Long Bang và Mã Học Lể, môn phái chia thành ba chi nhánh.

Từ Mã Học Lể bắt nguồn chi phái Hà Nam, lấy tên Tâm Ý Lục Hợp Quyền. Ông chỉ truyền dạy cho người đạo Hồi. Lự Khao Cao (1873-1963) là người đầu tiên dạy ngoài giới Hồi giáo.

Đới Long Bang dạy hai con trai là Văn Lương và Văn Huân, và Lý Lạc Năng (khoảng 1808- 1890), biệt danh Năng Nhiên.
Đới Văn Lương và Đới Văn Huân chỉ dạy trong gia đình, và cho con trai. Cho tới Đới Khôi (1874-1951), vì không có con trai nên mới chịu truyền ra ngoài dòng tộc. Vì vậy chi phái Sơn Tây, mang danh là Tâm Ý Quyền, mới được phổ biến sau nầy.

Lý Lạc Năng sau khi học với Đới Long Bang, trở về Hà Bắc và thâu học trò tại đây. Từ đó bắt nguồn chi phái Hà Bắc, với tên là Hình Ý Quyền. Chi nhánh nầy được nhiều người theo học và được biết hơn hai chi phái kia. Vào cuối thế kỷ thứ 19, Lý Tồn Nghỉa (1847-1921) và Lưu Vỹ Tường thành lập với hai võ sư Thái Cực Quyền và Bát Quái Chưởng, môn Nội Gia Quyền. Từ đây bắt đầu sự lầm lẩn với môn Nội Gia xưa ghi lại bởi Hoàng Tông Hy (1610-1695), và người ta đều nghỉ là Nội Gia bao gồm ba môn Hình Ý Quyền, Thái Cực Quyền và Bát Quái Chưởng !

Đặc điểm :
Chiến đấu pháp của Hình Ý Quyền có thể tóm gọn trong hai câu : "Khoái công trực thủ, hậu phát tiên chí" (tấn công nhanh trên đường thẳng, đi sau tới trước), "Thiếp thân kháo đả, dĩ đoản chế trường" (Đến sát thân địch vừa hất vừa đánh, dùng đòn ngắn thắng đòn dài). Vì môn đồ Hình Ý Quyền chuyên đánh trên đường thẳng, nhập vào trung môn (chánh diện), nên không cho địch thủ có cơ hội phát triển đòn công và tuy ra đòn sau nhưng đòn lại tới trước. Khi tới sát địch thì hất hay đánh. Chi phái Hà Nam chuyên về hất. Nhưng lúc địch thủ nhanh hơn, thì môn sinh Hình Ý Quyền chạy tấn công bên hông.
Kình lực được phát huy qua sự phối hợp giữa bộ tiến, eo xoay, cột xương sống trôi lên sụp xuống và đòn tay đánh tới.
Tuy là môn phái miền Bắc Trung Quốc nhưng sử dụng nhiều đòn tay hơn đòn đá. Đòn đá lại không quá bụng. Đòn thế lúc phát thì có kình.
Chi phái Hà Bắc đòn thế ngắn gọn, đơn giản dựa trên 17 thế căn bản là Ngũ Hành quyền và Thập nhị Hình quyền. Những bài quyền có Ngũ hành liên hoàn quyền, Thập nhị hình quyền, Tạp thức trùy, Tứ bả quyền, Thập nhị hồng trùy...
Chi phái Sơn Tây giống chi nhánh Hà Bắc hơn. Chương trình huấn luyện bao gồm Ngũ hành quyền, Thập đại hình, Giao tế tứ bả, Ngũ thãng hạp thế...
Chi nhánh Hà Nam thì khác hẳn hai hệ phái trên, đòn thế rộng hơn, mạnh bạo hơn, căn bản chỉ có Thập đại Hình Quyền. Quyền thuật có những bài Thập đại hình, Tứ bả trùy...

Và chúng tôi phải nói tới môn Ý Quyền (còn có tên là Đại Thành Quyền), sáng lập do Vương Hương Chai (khoảng 1885-1963) trên nền tảng Hà Bắc Hình Ý Quyền pha lẩn với vài môn võ khác. Môn nầy không có bài quyền, và rất chú trọng tới phần Ý hơn là phần Hình, nên đặc biệt luyện tập Trạm thung (môn sinh đứng bất động giữ một tư thế và hít thở).

Kết luận : Hình Ý Quyền là môn võ miền Bắc Trung Quốc, có nguồn gốc từ chùa Thiếu Lâm tại tỉnh Hà Nam, với nhiều đòn tay hơn đòn chân, đòn thế đơn giản và mạnh bạo. Môn nầy không có liên quan lịch sử với môn Nội Gia Quyền ghi lại bởi Hoàng Tông Hy vào thế kỷ thứ 17, như hiện nay nhiều võ sư lầm tưởng.



Nguyễn Quí Jacques & Dufresne Thomas
Báo Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh

12 septembre 2007

Sự liên hệ giữa Thiếu Lâm Quyền và Thái Cực Quyền

Trước hết, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược hai môn Thiếu Lâm Quyền và Thái Cực Quyền.

Thiếu Lâm tự và Thiếu Lâm Quyền

Tại trung tâm văn hóa và lịch sử của Trung Quốc, tỉnh Hà Nam (Henan), có một ngôi chùa dựng vào năm 495 được danh tiếng trên thế giới. Tiểu thuyết võ hiệp, phim võ thuật, và một phim nhiều kỳ chiếu trên màn ảnh nhỏ bên Mỹ Quốc đã đưa một hình ảnh rất đẹp của những nhà sư ham mê luyện tập quyền thuật và côn pháp.
Trên núi Tung Sơn (Songshan), rừng Thiếu Thất (Shaoshi) đã cho chùa tại đây cái tên Thiếu Lâm (Shaolin). Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ 6, nhà sư người Ấn Độ tên là Đạt Ma (Damo) tới chùa và lập môn Thiền. Từ đó chùa được danh tiếng trên phương diện đạo giáo.
Vào thế kỷ thứ 7, mười ba võ tăng giúp Hoàng thân Lý Thế Dân (Li Shimin) (599-649) chống lại một tướng phản nghịch. Rồi chùa có tiếng về võ thuật.
Vào thế kỷ thứ 16, Bạch Ngọc Phong lập nên quyền thuật cho chùa. Môn võ danh tiếng khắp nước vào khoảng 1600.
Tiểu thuyết võ hiệp đưa ra khá nhiều truyền kỳ về chùa Thiếu Lâm. Người ta xác nhận là Đạt Ma là tổ sư môn Thiếu Lâm Quyền. Có người bày ra chuyện cạnh tranh giữa nhà sư Thiếu Lâm và đạo sỉ Võ Đang. Lại có người đưa ra thuyết năm nhà sư thoát khỏi cuc hỏa thiêu chùa vào thế kỷ thứ 18...
Truyền thuyết có ghi lại một chùa Thiếu Lâm ở miền Nam nước Trung Hoa; nhưng hiện giờ không ai tìm được vết tích đích xác. Có người định vị trí tại Cữu Liên Sơn (Jiulian shan), còn người khác đặt chùa tại Tuyền Châu (Quanzhou) hay Phước Thanh (Fuqing).
Quyền thuật Thiếu Lâm không ngừng biến đổi trong chùa trên mấy thế kỷ, đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của hai danh tướng Thích Kế Quang (Qi Jiguang) (1528-1588) và Du Đại Du (Yu Dayou) (1503-1579).
Thanh danh của nhà sư Thiếu Lâm làm cho nhiều người nói là quyền thuật mình dạy là Thiếu Lâm Quyền! Và như vậy vô số Thiếu Lâm Quyền chào đời. Nhưng phải công nhận là trong số đó có những môn thật sự xuất phát từ một nhà sư hay một đệ tử tục gia của chùa Thiếu Lâm.

Vào thập niên 1980, theo sự đòi hỏi của du khách và báo chí, chùa che chở lực sỉ cải trang thành nhà sư. Những "nhà sư" trẻ tuổi nầy biểu diễn vài trò và dạy một môn quyền thuật hổn hợp từ môn Trường Quyền và từ nhiều môn võ dạy chung quanh chùa.
Chung quanh chùa, ta có thể nêu ra những chi phái xuất từ Thiếu Lâm Quyền cổ truyền :
- Thiếu Lâm Quyền của gia đình họ Giá,
- Thiếu Lâm La Hán Quyền của Chu Thiên Hỷ (thế kỷ thứ 20),
- Thiếu Lâm Thiền Môn của Vương Tử Nhân (sanh năm 1890),
- Thiếu Lâm Quyền của gia đình họ Lương...

Bài quyền Thiếu Lâm có đặc điểm là đánh theo đường thắng, "chỗ một con trâu nằm là đủ". Những bài quyền cổ truyền thịnh hành nhất được dạy trong chùa là :
- Đại hồng quyền,
- Lục hợp quyền,
- La hán quyền,
- Mai hoa quyền,
- Pháo quyền,
- Thất tinh quyền,
- Thông bối quyền,
- Tiểu hồng quyền,
- Tâm ý bả,
- vân vân...


Gia đình họ Trần và Thái Cực Quyền

Vào cuối thế kỷ thứ 14, một người nông dân, tên là Trần Bốc, tới cư ngụ tại một làng nhỏ thuộc huyện Ôn, tỉnh Hà Nam, phía bắc sông Hoàng Hà. Ông là người tỉnh Sơn Tây, và là tổ của gia đình họ Trần. Làng mà ông tới cư ngụ sau đó được gọi là Trần gia câu.
Theo vài người trong gia đình họ Trần, môn võ bắt nguồn từ Trần Bốc, nhưng nhiều học giả khác nghỉ là môn võ chỉ xuất phát từ Trần Vương Đình...

Trần Vương Đình (1600-1680), thế hệ thứ 9, thuộc một gia đình điền chủ và gia đình ông đã biết xử dụng vài môn binh khí.
Quyển "Trần thị gia phổ" có ghi lại : "Ông sinh vào cuối triều đại nhà Minh (Ming), đầu triều đại nhà Thanh, danh tiếng tại tỉnh Sơn Đông (Shandong), đánh đuổi quân cướp, và là người đầu tiên đem vào gia đình ông môn quyền, đao và thương, ông thường xử dụng cây đại đao".

Theo "Hoài Thanh huyện chí", "Ôn huyện chí", và "An Bình huyện chí", vào 1641, Trần Vương Đình chỉ huy Dân quân của huyện Ôn. Những tài liệu nẩy dẫn chứng là Trần Vương Đình phải biết chút ít võ thuật.

Theo gia đình họ Trần, môn võ nầy chỉ truyền trong gia đình từ thế hệ nầy sang thế hệ khác.
Trước thế hệ thứ 14 vào thế kỳ thứ 18, theo "Trần thị Quyền Giới phổ", còn lưu tại Trần Gia câu, môn Thái Cực Quyền thời đó gồm có :

1) Đầu sáo quyền còn được gọi là Thập tam thức,
2) Nhị sáo quyền,
3) Tam sáo quyền còn có tên là Đại tứ sáo trùy,
4) Tứ sáo quyền còn được gọi là Hồng quyền, hay Thái Tổ hạ Nam đường,
5) Ngũ sáo quyền,
6) Trường quyền còn được gọi là Nhất bách linh bát thức,
7) Pháo trùy,
8) Đoản đả,
9) Tán thủ,
10) Kiều thủ,
11) Lược thủ,
12) Sử thủ,
13) Tam thập lục cổn điệt,
14) Kim Cang thập bát noa pháp,
15) Đơn đao,
16) Song đao,
17) Song kiếm,
18) Song giản,
19) Bát thương,
20) Bát thương đối thích pháp,
21) Thập tam thương,
22) Hoàn hậu Trương Dực Đức tứ thương,
23) Nhị thập tứ thương,
24) Nhị thập tứ thương luyện pháp,
25) Bàng la bảng,
26) Xuân thu đao,
27) Bàng la bảng luyện pháp,
28) Tuyền phong côn,
29) Đại chiến phác liêm.

Cho tới thế hệ thứ 14 vào thế kỷ thứ 19 môn võ gia truyền của gia đình họ Trần được chia ra thành hai chi nhánh chánh. Một chi nhánh xuất từ Trần Sở Nhạc, truyền bởi Trần Hữu Bản và Trần Hữu Hằng ; và một chi nhánh khác xuất từ Trần Nhử Tín, truyền bởi Trần Trường Hưng.

Từ ba đại võ sư của thế kỷ thứ 19 nầy, phát sinh ra hai chi nhánh còn lưu truyền hiện nay, chi nhánh Tiểu Giá và Đại Giá. Theo truyền thuyết, ba quyền sư nầy đã tóm gọn lại quyền giá, từ bảy bài quyền xưa, lúc đó chỉ còn lại hai bài : Đệ nhất lộ và Pháo trùy.
Trần Trường Hưng thời đó có dạy ngoài gia đình : hai học trò được biết nhất là Dương Lộ Thiền và Lý Bá Khôi. Dương Lộ Thiền là người thành lập chi phái Dương gia Thái Cực Quyền.
Từ chi nhánh Tiểu Giá phát xuất chi nhánh Triệu Bảo Giá của Trần Thanh Bình (1795-1868).
Còn chi nhánh Đại Giá vào thế kỷ thứ 20 chia ra hai chi phái : Lảo Giá của Trần Chiếu Phi (1893-1972) và Tân Giá của Trần Phát Khoa (1887-1957).

Môn Trần gia Thái Cực Quyền được biết ngoài gia đình họ Trần nhờ công của :
- Trần Phát Khoa và con là Trần Chiếu Khuê (1928-1981), thuộc Tân Giá,
- Trần Chiếu Phi thuộc Lảo Giá,
- Trần Tử Minh (?-1951) thuộc Tiểu Giá.

Chương trình hiện nay của chi phái Lảo Giá Trần gia Thái Cực Quyền bao gồm :
- Thái Cực quyền đệ nhất lộ,
- Thái Cực quyền đệ nhị lộ hay Pháo trùy,
- Ngũ chủng Thôi thủ,
- Thái Cực đơn đao,
- Thái Cực đơn kiếm,
- Thái Cực thương,
- Thái Cực thập tam can,
- Trần thị Xuân thu đại đao,
- Thái Cực song giản,
- Thái Cực song kiếm,
- Thái Cực song đao,
- Thái Cực tam can, bát can đối luyện,
- Thái Cực sao can đối luyện,
- vân vân...

Hiện nay, có năm chi phái Thái Cực Quyền thịnh hành nhất, đó là :
-chi phái Trần từ Trần Vương Đình (1600-1680),
-chi phái Dương từ Dương Lộ Thiền (1799-1872),
-chi phái Ngô từ Ngô Giám Tuyền (1870-1942), học trò đời thứ hai của Dương Lộ Thiền,
-chi phái Võ từ Võ Vũ Tương (1812-1880), học trò của Dương Lộ Thiền và Trần Thanh Bình (thế hệ thứ 15 của gia đình họ Trần, 1795-1868) và
-chi phái Tôn từ Tôn Lộc Đường (1861-1932), học trò đời thứ 2 của Võ Vũ Tương.
Những chi phái Dương, Ngô, Võ và Tôn chỉ dạy một bài quyền, và sau đó môn Thôi thủ. Chi phái Trần có dạy thêm một bài thứ nhì, bài Pháo trùy, bổ túc bài thứ nhất.
Riêng tại Việt Nam có môn Triệu Gia Thái Cực Chưởng, do Triệu Trúc Khê (1898-1991), thuộc Thái Cực Đường Lang Quyền, sáng tác vào thập niên 1950 tại Việt Nam. Chương trình của môn nầy gồm có :
-Thái Cực quyền gồm 24 thức (là bài Giản Hóa Dương gia Thái Cực quyền sáng tác vào thập niên 1950 tại Trung Quốc dưới sự chỉ định của Quốc Gia Thể Ủy),
-Đơn vãn thôi thủ,
-Thái Cực chưởng,
-Thái Cực kiếm,
-Thái Cực đao.
Nhiều môn khác cùng mang tên Thái Cực Quyền, đó là :
-Hòa Gia Thái Cực Quyền lập bởi Hòa Triệu Nguyên (1810-1890), đệ tử của Trần Thanh Bình (1795-1868),
-Lý Gia Thái Cực Quyền lập bởi Lý Thụy Đông, đệ tử đời thứ hai của Dương Lộ Thiền, vào cuối thế kỷ thứ 19, môn nầy còn được gọi là Ngũ Tinh Thái Cực Quyền hay Ngũ Tinh Trùy,
-Lý Gia Thái Cực Quyền truyền bởi Lý Anh Ngang (thế kỷ thứ 20),
-Nhạc Gia Thái Cực Quyền thành lập vào đầu thế kỷ thứ 20,
-Phó Gia Thái Cực Quyền, lập bởi Phó Chấn Tung (1881-1953),
-Tam Hợp Nhất Thái Cực Quyền lập bởi Trương Kính Chi, đệ tử đời thứ tư của Trần Thanh Bình (1795-1868),
-Thiếu Lâm Tổng Hợp Thái Cực Quyền truyền bởi nhà sư Như Tỉnh vào cuối thế kỷ thứ 19,
-Thường Gia Thái Cực Quyền lập bởi Thường Đông Thăng (1909-1986), một danh sư môn Suất Giao, với biệt danh là Hoa Hồ Điệp,
-Triệu Bảo Giá Thái Cực Quyền lập bởi Trần Thanh Bình (1795-1868),
-Trịnh Gia Thái Cực Quyền lập bởi Trịnh Mãn Thanh (1901-1975),
-Trương Gia Thái Cực Quyền truyền bởi Vạn Lai Thanh (Wan Laisheng) (1903-1992),
-Võ Đang Thái Cực Quyền, còn được gọi là Do Long Phái hay Long Hành Thái Cực Quyền, mới sáng tác sau nầy trên tiêu chuẩn của Dương Gia Thái Cực Quyền, hiện dạy trên núi Võ Đang,
-vân vân...

Luận bàn về sự liên hệ giữa Thiếu Lâm Quyền và Thái Cực Quyền

Để cho dể hiểu, chúng tôi xin chia cuộc luận bàn nầy ra tám điều. Giả thuyết chúng tôi trình bày đây, tùy chỉ là một giả thuyết, nhưng dựa vào sự kiện lịch sử.

Điều thứ nhất
Chỉ vào thời Trần Vương Đình ta mới nghe nói tới võ thuật của giòng họ Trần. Trần Vương Đình có phải là người sáng tác ra Thái Cực Quyền hay là ông đã học với một người ngoài gia đình ông?

Điều thứ nhì
Nhà văn Đường Hào (1897-1959) có tới Trần gia câu nghiên cứu và đã đưa ra thuyết là Trần Vương Đình (1600-1680) sáng chế Thái Cực Quyền dựa vào quyển Kỹ hiệu tân thư của Đại tướng Thích Kế Quang (1528-1588). Quyển sách nầy, xuất bản vào năm 1562, mô tả bằng hình vẻ 32 thế quyền, rút tỉa từ 16 môn quyền thuật của cuối triều đại nhà Minh (1368-1644), và 29 trong 32 tên của những thế quyền nầy được tìm thấy trong 7 lộ xưa của môn Thái Cực Quyền. Chẳng những tên giống mà có lúc thế lại giống nhau.

Theo chúng tôi, như vậy Đường Hào đã chứng minh rõ là môn Thái Cực Quyền đã bị ảnh hưởng nhiều bởi môn võ của Thích Kế Quang, nhưng ông không có chứng minh được là môn Thái Cực Quyền được truyền từ Thích Kế Quang... Trần Vương Đình chế môn Thái Cực từ quyển sách Kỹ hiệu tân thư hay là ông đã học môn võ đó từ một đệ tử đời thứ nhất hay thứ nhì của Thích Kế Quang?

Có một môn võ hiền đại, Thích gia Quyền, tự xưng chân truyền từ Thích Kế Quang. Trong những thế đặc biệt của môn phái, chúng tôi có tìm thấy : Bằng (Peng) và Tề (Ji), hai thế quan trọng của Thái Cực Quyền, một điều cần chú ý là hai thế nầy không được ghi lại trong quyển Kỹ hiệu tân thư của Thích Kế Quang.

Điều nầy cho chúng ta nghỉ là môn Thái Cực Quyền không được sáng tác từ quyển sách Kỹ hiệu tân thư mà lại được truyền từ Thích Kế Quang?

Điều thứ ba
Cách làng Trần gia câu cỡ 50 cây số, có một ngôi chùa Thiếu Lâm, được nhiều người biết đến nhờ tiểu thuyết và huyền thoại.

Nếu chúng ta so sánh những bài quyền xưa của Thiếu Lâm Quyền và bài quyền của Thái Cực Quyền, thì chúng ta sẽ thấy nhiều sự trùng hợp. Hơn ba mươi thế và một bài quyền (bài Pháo Trùy) mang cùng tên.
Thời nay khá nhiều sách được xuất bản, nhưng thời xưa ta phải là học trò của môn phái mới biết được tên thế.
Chúng tôi nhắc sự kiện nầy để giải thích là khi những thế của hai môn võ mà trùng tên thì chắc là hai môn nầy cùng một nguồn gốc !

Chúng tôi có tìm thấy những tên sau đây trong những bài của Thái Cực Quyền và Thiếu Lâm Quyền :

- Bạch hạc lượng sí,
- Bài cước,
- Bạch xà thổ tín,
- Bạch viên hiến quả,
- Bạch vân cái đỉnh,
- Triều thiên,
- Xung,
- Đả hổ,
- Đơn tiên,
- Đương đầu pháo,
- Nhị khởi cước,
- Phản thân,
- Phục hổ,
- Hải để lao nguyệt,
- Hoài trung bảo nguyệt,
- Hoàng long tam giảo thủy,
- Kim cang đảo đối,
- Kim kê đc lập,
- Khóa hổ,
- Lan trửu,
- Liên hoàn pháo,
- Điểu long bải vĩ,
- Thất tinh,
- Tước địa long,
- Đồng tử bái Quan Âm,
- Tảo đường thoái,
- Thập tự cước,
- Thập tự thủ,
- Dương cung xạ hổ,
- Vi Đà hiến can,
- Tiên nhân chỉ lộ,
- Tà hành,
- Tuyền phong cước,
- Yến tử chác,
- Dã mã phân tung,
- Ngọc nữ xuyên thoa,
- Trảm thủ,
- vân vân...

Như ta thấy, danh sách những thế trùng tên rất dài. Hơn nửa phần lý thuyết của hai môn phái có nhiều sự trùng hợp như : triền ty, phát kình, cương nhu tương tể, tứ lạng bạt thiên cân ...
Và nhiều tên thế nêu trên đều nằm trong quyển sách của Thích Kế Quang.

Chúng tôi có thể kết luận là Thiếu Lâm Quyền và Thái Cực Quyền đều chịu ảnh hưởng của môn quyền của Thích Kế Quang. Và vì núi Tung sơn không xa làng Trần gia câu, chúng tôi củng nghỉ là hai môn quyền thuật hoặc cùng một nguồn gốc hoặc đã ảnh hưởng lẩn nhau.

Điều thứ tư
Ba tên Kim cang, Vi Đà và Quan Âm trong những thế như : thế thứ hai của Thái Cực quyền đệ nhất lộ, thế thứ bốn mươi bảy của Thái Cực đơn kiếm và thế thứ hai của Thái Cực thập tam can không có trong quyển sách của Thích Kế Quang.
Ba tên của hai vị Phật và một vị Thần nầy cho phép chúng tôi nghỉ là môn Thái Cực Quyền bắt nguồn từ Thiếu Lâm Quyền. Và môn Thiếu Lâm có gốc từ võ thuật của Thích Kế Quang vì trong hơn nửa những bài của Thiếu Lâm đều có ít nhất một thế của Thích Kế Quang.
Xin nhắc lại là chùa Thiếu Lâm thường mời danh tài võ thuật đến chùa để trao đổi kỹ thuật.

Điều thứ năm
Lược sử gia võ thuật Matsuta Takachi, trong quyển Trung Quốc võ thuật sử lược, ghi lại những trùng hợp giữa hai môn phái : bài Hồng quyền, bài thứ tư của môn Thái Cực Quyền thời xưa, giống bài Hồng quyền của Thiếu Lâm Môn.
Trong bài Bàng la bảng của Trần Vương Đình và một bài côn của Thiếu Lâm môn, Matsuta còn tìm thấy bốn thế giống nhau và mang cùng tên :
- Triều thiên thế,
- Đường sơn thế,
- Địa xà thế,
- Khóa kiếm thế.

Điều thứ sáu
Nhưng điều mà Matsuta không ghi nhận là hai thế trong bốn thế côn (Triều thiên thế và Khóa kiếm thế) mà ông nêu ra đều nằm trong phần Thương phổ của Thích Kế Quang. Và quan trọng hơn, bốn thế đó chúng tôi đều tìm thấy trong quyển sách của Trình Xung Đẩu (1561- ?), xuất bản vào năm 1621 : Thiếu Lâm côn pháp xiển tông ! Trình Xung Đẩu là đệ tử tục gia của chùa Thiếu Lâm.
Như vậy phải là Thiếu Lâm Quyền đã ảnh hưởng Thái Cực Quyền vì Trình Xung Đẩu sanh bốn mươi năm trước Trần Vương Đình ?

Điều thứ bảy
Vào năm 1984, quyển Thiếu Lâm võ thuật, xuất bản tại tỉnh Hà Nam, trình bày bài Tâm ý quyền. Tác giả Giá Triệu Tuyền nói là bài nầy được truyền từ ông tổ Giá Thục Vọng, một đệ tử của chùa Thiếu Lâm.
Giá Triệu Tuyền cắt nghĩa là ông tổ của ông đã chép bài Tâm ý quyền từ một quyển sách trong thư viện của chùa Thiếu Lâm, vào triều đại Hoàng Đế Khánh Hy (1662-1723), khoảng thời gian cuối đời của Trần Vương Đình (1600-1680). Mà phần diễn thế của bài Tâm ý quyền giống y bài Thái Cực quyền đệ nhất lộ và thế của hai bài trùng tên rất nhiều !

Khi chúng tôi khám phá ra quyển sách nầy, chúng tôi bị kinh ngạc bởi vài sự kiện.

- Sự kiện thứ nhất, chùa Thiếu Lâm và làng Trần gia câu chỉ cách nhau chừng độ hai ngày đi bộ. Vả lại, vào thế kỷ thứ 17, Trần Vương Đình có tới núi Tung sơn khuyên bạn ông là Lý Tế Ngộ (Li Jiyu) hàng đầu nhà Minh.

- Sự kiện thứ nhì, không như ta lầm tưởng, Thiếu Lâm Quyền và Thái Cực Quyền có lý thuyết, thế và bài rất giống nhau.

- Sự kiện thứ ba, Thiếu Lâm Quyền và Thái Cực Quyền đều bị ảnh hưởng bởi môn võ của Thích Kế Quang.

- Sự kiện thứ tư, hai môn đều có vài thế võ mà ta không tìm thấy trong môn võ của Thích Kế Quang...

Điều thứ tám
Theo như Đại tướng Du Đại Du thuật lại trong quyển "Chánh khí đương tập", vào năm 1561, Du Đại Du, lúc đem quân đi xuống hướng nam, đã ghé thăm chùa Thiếu Lâm, và chỉ trích môn côn pháp của các nhà sư, nộp hai hòa thượng Tông Kình và Phổ Tòng làm đệ tử, cùng nhau đánh đuổi quân Nhật Bãn trong ba năm ; Tông Kình và Phổ Tòng học với Du Đại Du côn, kiếm, khinh công và quyền pháp ; sau đó, Tông Kình trở về Thiếu Lâm tự và truyền lại môn võ của Du Đại Du.
Du Đại Du là bạn thân của Thích Kế Quang (1528-1588), Thích Kế Quang cùng tập luyện chung với Du Đại Du và học côn pháp với Du Đại Du. Dỉ nhiên trong nhửng môn võ của Thích Kế Quang ghi chép lại, có một phần là môn võ của Du Đại Du.


Kết luận cho tám điều trên

Tất cả những sự kiện trên cho phép chúng tôi nghỉ là môn Thiếu Lâm Quyền được hoàn toàn canh tân lại vào thế kỷ thứ 16 dưới sự ảnh hưởng của môn võ của Du Đại Du (1503-1579) và Thích Kế Quang (1528-1588).
Sau đó vài chục năm, Trần Vương Đình (1600-1680), Tưởng Phát (1574-?) hay một người khác học môn quyền của Thiếu Lâm và đem lại Trần gia câu.
Cuối cùng, Thiếu Lâm Quyền theo thời gian được canh tân lại nhiều lần.

Tóm lại, Thái Cực Quyền bắt nguồn từ môn võ của hai ông Du và Thích qua sự trung gian của Thiếu Lâm Quyền vào thế kỷ thứ 16 và 17.
Dỉ nhiên môn Thái Cực Quyền sau đó đã chịu ảnh hưởng của những môn khác và được gia đình họ Trần tu bổ thêm nên môn Thái Cực có những đắc điểm mà ta không tìm thấy trong môn võ của Du hay của Thích hay môn Thiếu Lâm.


Nguyễn Quí Jacques và Dufresne Thomas

03 août 2007

Thích Kế Quang, đơn giản và hữu dụng trong võ thuật Trung Hoa

Trong lịch sử võ thuật Trung Hoa, có những nhân vật mà ai cũng đều biết đến, như hòa thượng Đạt Ma, đạo sĩ Trương Tam Phong hay đại tướng Nhạc Phi, mà truyền thuyết gán cho nhiều công lao. Ngược lại có những danh tài dù có bằng chứng khoa học xác nhận công trình của họ, nhưng lại ít người nhắc đến. Đó là hai đại tướng Thích Kế Quang và Du Đại Du. Lần lược trong hai bài, chúng tôi xin giới thiệu công lao của hai vị nầy. Và bài nầy xin trình bày gia tài do Thích Kế Quang truyền lại.

Thích Kế Quang (1528-1588) người tỉnh Sơn Đông, miền Bắc Trung Quốc, thuộc gia đình truyền thống quan võ, từ nhỏ, được cha cho theo học văn chương và binh thư. Từ 1544, lúc 16 tuổi, ông thừa kế cha chức phó tư lệnh thành Đăng Châu. Tới năm 1549, tại Sơn Đông, ông đổ võ cử nhân, nhưng năm sau rớt khoa võ tiến sĩ tại Bắc Kinh. Lúc đó quân Mông Cổ vượt qua Trường thành đánh vào thành Bắc Kinh nên ông ở lại tham gia bảo vệ kinh thành. Sau ông trở lại Sơn Đông, cho tới năm 1555 được phong chức tham tướng tại Triết Giang, hợp tác với Du Đại Du đánh quân cướp biển người Nhật. Ông huấn luyện 3000 quân qua "Uyên ương trận", cốt ý chống lại quân Nhật đáng sợ với đường tên chính xác và đao có thể cắt đứt võ khí binh lính Trung Quốc. Trận pháp gồm người mang đồ đở để chống lại tên, người cầm cây trúc còn nhánh cây dùng để làm chậm bước tiến của người Nhật dùng đao, trong lúc người mang trường thương thừa cơ hội đâm quân cướp. Nhưng phải chờ tới năm 1567, quân Nụy Khấu mới được dẹp tan.
Vào thời đó ông nhờ Du giới thiệu học với Lý Lương Khâm côn thuật. Và năm 1567, ông được phong chức phó tư lệnh tại Bắc Kinh.
Tại Triết Giang, vào 1560, ông bắt đầu soạn quyển "Kỹ hiệu tân thư", tới 1562 mới có dịp xuất bản. Tác phẩm gồm 18 quyển, trong đó quyển thứ 14 "Quyền kinh tiệp yếu thiên" luận bàn về quyền thuật, chứa đựng 32 thế, tuy đơn giản nhưng hữu dụng. Quyển thứ 10 là "Trường binh đoản dụng thuyết thiên" ghi lại 24 thế thương, quyển thứ 11 có "Đằng bài tổng thuyết thiên" với 8 thế dùng khiêng, và "Lang tiển tổng thuyết thiên" dạy 6 thế lang tiển của Trần Đệ. Quyển thứ 12, "Đoản binh trường dụng thuyết thiên" chép lại chương "Kiếm kinh" của Du Đại Du với 14 hình song đấu côn. Và quyển thứ 13 "Xạ pháp thiên" là của đại tướng Du, ghi lại cách bắn cung.
Lúc ông chiến đấu quân cướp biển Nhật, ông nhận định là đao Nhật đơn giản nhưng lợi hại nên trong lần tái bản đã giảng về môn đao nầy trong hai chương "Yêu đao giải" và "Trường đao giải".

Mở đầu cho phần quyền thuật, ông viết : "Quyền pháp không can dự đến trận chiến, chỉ để hoạt động tay chân, chăm sóc thân thể, dẫn nhập cho binh thuật" (Quyền pháp tự vô dự ư đại chiến chi kỹ, nhiên hoạt động thủ túc, quán cần chi thể, thử vi sơ học nhập nghệ chi môn dã). Như vậy quyền thuật chỉ là kỹ thuật phụ trong quân đội dưới triều đại nhà Minh.
Tuy vậy hiện nay trong hơn nữa số bài quyền của chùa Thiếu Lâm, chúng tôi có thấy ít nhứt một thế của Thích Kế Quang, và có thể nêu ra vài thế như Thất tinh, Đơn tiên, Kim kê độc lập, Đảo tháp thế, Chỉ đang thế, Nhất điều tiên, Khóa hổ, Đương đầu pháo.
Đường Hào (1897-1959), lịch sử gia võ thuật Trung Hoa, có tìm được 29 thế của họ Thích trong 7 lộ của Trần gia Thái Cực Quyền xưa.
Và có hai thế thương của Thích Kế Quang còn lưu lại trong Trần gia Thái Cực Quyền và Thiếu Lâm Phái : Khóa kiếm thế và Triều thiên thế.
Như vậy hai môn phái quan trọng của Trung Quốc đều chịu sự ảnh hưởng của Thích Kế Quang, qua trung gian của Du Đại Du, bạn thân của ông. Vì họ Du có truyền võ thuật cho một nhà sư chùa Thiếu Lâm, chuyện nầy chúng tôi sẽ bàn trong bài sau. Và chúng tôi có chứng minh sự liên hệ giữa Thiếu Lâm Quyền và Thái Cực Quyền của họ Trần.

Phần binh khí có ghi lại tám thế thương căn bản (Bát mẩu thương khởi thủ) nền tảng của thương pháp hiện đại, hiện vẫn còn lưu truyền trong tất cả các môn phái. Trong đó có ba thế quan trọng là "Lan nả trát", lan là quấn đầu thương nghịch chiều kim đồng hồ để gạt một đòn đâm, nả là thế đi theo chiều kim đồng hồ nhằm tấn công vào tay trước của địch để rồi đâm (trát) vào thân hay cổ địch.

Thích Kế Quang có ghi lại bốn nguyên lý chiến đấu.
Nguyên lý "Thường sơn xà trận pháp" chép lại từ Tôn Tử binh pháp (thế kỷ thứ 5 trước Tây Lịch) được ông áp dụng trong quyền thuật : "chánh như Thường sơn xà trận pháp, đánh đầu thì đuôi tiếp ứng, đánh đuôi thì đầu tiếp ứng, đánh thân thì đầu và đuôi tương ứng" (chánh như Thường sơn xà trận pháp, kích đầu tắc vỹ ứng, kích vỹ tắc đầu ứng, kích kỳ thân nhi đầu vỹ tương ứng). Trong Vịnh Xuân chi thủ, khi địch chụp tay phải ta, tay trái ta liền tấn công ; khi địch chụp cổ tay phải ta, ta liền tiến sát gần đánh tấp chỏ phải. Lúc luyện Thái Cực thôi thủ, nếu chỏ ta bị chụp, ta liền dùng vai hất địch. Trong bài Tinh Võ Hội Hợp chiến quyền, khi ta bị bẻ tay, ta liền xoay người theo chiều bẻ tay, dùng tay kia chụp cổ đối thủ.

Chiến thuật trá bại được đại tướng trình bày trong ba chương về quyền, côn và thương. Đó là ba thế "Đảo kỳ long", "Tẩu mã hồi đầu thức" và "Dương du trá hồi thương pháp". Đây là chiến thuật giả bộ thua chạy dụ địch đuổi theo để xoay người đánh một quyền hay đâm một thương, còn lưu lại trong các bài binh khí như Trung Ương Quốc Thuật Quán Tam tài kiếm, Tinh Võ Hội Ngũ hổ thương, Thất Tinh Đường Lang Yến Thanh đơn đao, Vĩnh Xuân Bạch Hạc Song long xuất thủy song đao, Trần Gia Thái Cực Thập tam can, Trần Gia Thái Cực Xuân Thu đại đao... Quyền thuật tại hai tỉnh Quảng Đông và Phước Kiến, có thế giả thua xoay lưng chạy rồi ngồi xuống đất để bất thình lình xoay người lại ném cát vào mắt địch hay nhảy lên đá vào hạ bộ đối thủ, thế có tên là "Linh miêu hí thử" (mèo đùa giởn với chuột !).

Nguyên lý "hư thật" và "kỳ chánh" xuất từ Tôn Tử binh pháp được áp dụng trong quyền thuật. Hư thật và kỳ chánh chỉ sự dối trá để lừa địch, đòn đầu là hư và đòn sau là thật. Nhưng hai đòn đầu cũng có thể là hư chỉ đòn thứ ba và thứ tư mới là thật, đây là "Hư hư thật thật" hay "Kỳ kỳ chánh chánh". Địch không biết lúc nào là hư lúc nào là thật !

Khái niệm "tiểu môn" và "đại môn" là nền tảng của võ thuật Trung Quốc. Muốn tấn công địch như muốn vào nhà, muốn vào nhà thì ta phải mỡ cửa, nhà xưa đều có hai cửa : cửa trước và cửa sau. Đại môn là khoảng cách giữa hai tay, là cửa trước, tiểu môn là hông hay lưng địch, là cửa sau. Đường đi vào đại môn ngắn hơn nhưng nguy hiểm hơn vì địch có thể phản công dễ dàng. Ta tấn công vào đại môn khi ta ra đòn trước, khi thế lực ta mạnh hơn. Khi đòn địch không nằm trên trung tâm tuyến thì ta tiến vào cửa chánh vừa đở vừa tấn công.
Thường ta chờ địch tấn công để kéo tay địch qua một bên buộc địch mở tiểu môn để ta xâm nhập, như Thích Kế Quang giải thích trong thế "Phao giá tử". Đây là nguyên lý rất quan trọng trong võ thuật Trung Hoa. Bát Quái Chưởng vừa niêm kéo tay địch qua một bên vừa chạy qua bên kia để đánh vô lưng địch. Vịnh Xuân né mình qua bên và hất tay đối thủ để tấn công vào bên hông. Bắc Phái Đường Lang Quyền tiến vào trung môn kéo tay địch qua bên để tấn công.

Khi ta nghiên cứu qua 32 thế quyền của đại tướng, ta có thể thấy vài chiến lược khác như "Thanh đông kích tây" (Làm tiếng động hướng đông nhưng đánh hướng tây) và "Thượng kinh hạ thủ" (Làm địch sợ hải ở trên để tấn công ở dưới).
Và nguyên lý quan trọng khác là "tiệt đả", hiện nay là căn bản của võ thuật Trung Quốc : vừa tiếp đón đòn địch lúc chưa phát triển trên đường chính diện, vừa phản công.

Gia tài Thích Kế Quang để lại là nhiều thế võ đơn giản kèm theo vài nguyên lý chiến đấu đã ảnh hưởng rất nhiều môn phái cận đại, trong đó có hai môn phái lớn là Thiếu Lâm Quyền và Thái Cực Quyền. Những nguyên lý ông truyền lại, tuy giảng nghĩa phức tạp nhưng trong thực dụng rất đơn giản và hữu hiệu.

Nguyễn Quí Jacques & Dufresne Thomas
Báo Thể thao thành phố Hồ Chí Minh số 179 (ngày 22/10/2001) và số 184 (ngày 29/10/2001)

Tài liệu tham khảo :
Thích Kế Quang, Kỹ hiệu tân thư, Trung Quốc,
Dictionary of Ming biography, volume I, Columbia University Press, Mỹ, 1976,
Matsuta Takachi, Trung Quốc võ thuật sử lược, Trung Quốc, 1984,
Mã Hiền Đạt và đồng nghiệp, Trung Quốc võ thuật đại tự điển, Trung Quốc, 1990.

25 novembre 2006

Lịch sử quyền thuật Trung Quốc, những giai đoạn quan trọng

1- Khởi nguyên có môn vật
Vết tích khảo cổ xưa nhất về quyền thuật Trung Hoa là một cây lược bằng gỗ ; trên cây lược nầy có khắc hình hai người, mình trần, đang ôm vật dưới sự giám định của một trọng tài. Cây lược nầy được tìm thấy vào năm 1975 trong ngồi mộ thời triều đại nhà Tần (221-207 trước Tây Lịch).
Thời nhà Hán (206 trước Tây Lịch-220 sau Tây Lịch), môn vật lấy tên là Tương Phốc (Xiangpu) (Tương Phốc có nghĩa là xô đẩy lẫn nhau). Hai chữ Xiangpu đọc theo tiếng Nhật là Sumo, như vậy môn Sumo hiện nay có thể cho ta một khái niệm về môn vật của Trung Hoa thời nhà Hán. Vả lại những lực sĩ môn Tương Phốc thời nhà Đường (618-907) mang y phục của những lực sĩ môn Sumo hiện nay.
Dưới thời nhà Tống (960-1279), những võ sĩ mới bắt đầu mang áo để tiện níu kéo. Như vậy những kỹ thuật đấu vật thời đó từ từ biến đổi và giống những kỹ thuật đấu vật hiện nay.

2- Quyền thuật dưới triều đại nhà Minh
Mãi cho tới triều đại nhà Minh (1368-1644) quyền thuật mới thịnh hành và phát triển nhờ có phong trào mại võ : trường võ dạy lấy tiền được mở ra cho công chúng.
Trước đó quyền thuật chỉ dành riêng cho những người sống về nghề võ : võ sư, quân lính, hiệp sĩ, tiêu sư, cướp đạo... Như những anh hùng (Lổ Trí Thâm, Võ Tòng, Lý Quỳ...) trong Thủy Hử Truyển, sách viết vào thế kỷ thứ 14.
Văn nhân, nhà sư trước đó ham chuộng múa võ khí, lúc nầy lần lần học quyền thuật.
Vào khoảng 1550, một trong ba đại văn hào thời đó, Đường Thuận Chi (1507-1560) soạn quyển Võ Biên, một phần ghi lại những môn quyền thuật phổ biến lúc đó. Khoảng mười năm sau, vào 1562, Thích Kế Quang (1528-1588) một trong những đại danh tướng của lịch sử Trung Hoa, xuất bản quyển Kỹ Hiệu Tân Thư, trong đó cả một chương được dành để ghi lại môn quyền thuật của ông.
Thích Kế Quang có công đánh đuổi bọn cướp biển Nhật Bản (được gọi là Nụy Khấu) hoành hành dọc bờ biển Trung Hoa. Để huấn luyện quân sĩ, ông lựa chọn những đòn thế đơn giản, nhưng rất hữu hiệu. Quân của ông có tiếng là trăm trận trăm thắng !
Cùng một thời, danh tướng Du Đại Du (1503-1579) ghi lại trong quyển "Kiếm kinh", xuất bản năm 1565, nguyên tắc chiến đấu côn pháp ; hầu hết môn phái hiện đại đều lấy lại nguyên tắc đó để áp dụng vào quyền thuật.
Khoảng 1600, quyền thuật chùa Thiếu Lâm bắt đầu danh tiếng. Trước đó chùa chỉ nổi tiếng về côn pháp.

3- Từ thế kỷ thứ 17 tới thế kỷ thứ 19
Thế kỷ thứ 17 là một thời kỳ hưng thịnh của quyền thuật Trung Hoa, nhiều danh tài xuất hiện :
- Trần Vương Đình (1600-1680), chỉ huy dân quân của huyện Ôn, thuộc tỉnh Hà Nam, sáng chế Thái Cực Quyền,
- Cơ Tế Khả (1602-1683), thuộc tỉnh Sơn Tây, lập ra Tâm Ý Quyền, sau được gọi lại là Hình Ý Quyền,
- Phương Thất Nương, một cô gái người tỉnh Phước Kiến, sau khi nhìn một con hạc trắng bay nhảy, chế ra Bạch Hạc Quyền, và dạy môn nầy tại huyện Vĩnh Xuân.
Rồi có những nhân vật như :
- Ngô Chung (1712-1802), người Hồi Giáo thuộc tỉnh Hà Bắc, lập Bát Cực Quyền,
- Trần Hưởng, người tỉnh Quảng Đông sống vào thế kỷ thứ 19, sáng lập lúc ông chỉ 30 tuổi, môn Thái Lý Phật,
- Đổng Hải Xuyên (1797-1882) truyền bá môn Bát Quái Chưởng tại Bắc Kinh...
Vào năm 1894, tại Bắc Kinh, bốn võ sư đề nghị hợp những môn võ họ đang dạy lại thành một môn mà họ gọi là Nội Gia. Bốn người đó là :
- Trình Đình Hoa (?-1900) thuộc Bát Quái Chưởng,
- Lưu Vĩ Tường thuộc Hình Ý Quyền,
- Lưu Đức Khoan (?-1911) thuộc Dương gia Thái Cực Quyền,
- Lý Tồn Nghĩa (1847-1921) thuộc Hình Ý Quyền và Bát Quái Chưởng.

4- Loạn Quyền Phỉ
Vào cuối thế kỷ thứ 19, Nghĩa Hòa Đoàn là một hội có chủ trương giải thoát nước Trung Hoa khỏi sự xâm chiếm của ngoại quốc. Hội viên là những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, được huấn luyện cấp tốc vài thế võ. Phần đông đều học qua môn Thần Quyền. Môn quyền nầy nhờ sự cầu thần nhập vô người hội viên để che chở họ, dao đâm không lủng, súng bắn không trúng... Diễn biến cho thấy là sự thật nghịch hẳn với sự chờ đợi của họ ! Những phần tử nầy được trang bị côn, đao, kiếm và sau đó được thêm một ít súng đạn.
Vào tháng 6 năm 1900, một số đông hội viên với sự trợ giúp của quân đội nhà Thanh, vây khu sứ quán (Đông giao dân hạng) tại Bắc Kinh. Cho tới 55 ngày sau, nhằm ngày 15 tháng 8, quân đội của tám nước (đó là Bát Quốc Liên Quân gồm : Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Nga Sô, Nhật Bản, Ý Đại Lợi và Áo) chiếm thành Bắc Kinh, dẹp tan những người nổi loạn. Giai đoạn nầy của lịch sử Trung Hoa có tên là Loạn Quyền Phỉ.

5- Hai hội võ vào đầu thế kỷ thứ 20
Dưới sự ảnh hưởng về tổ chức của Tây Phương, chánh phủ Trung Hoa đã đứng ra hệ thống hóa võ thuật nhằm dễ phổ biến. Hai hội võ được khai trương :
- Tinh Võ Thể Dục Hội tại Thượng Hải vào năm 1909,
- Trung Ương Quốc Thuật Quán tại Nam Kinh vào năm 1927.
Cho tới bây giờ, ai muốn học võ phải tìm một người thầy chấp nhận mình, một công trình không dễ, tuy là có nhiều trường võ đã mở. Hai hội nêu trên lần đầu tiên phổ thông võ thuật, ai muốn học thì chỉ cần tới hội ghi tên.
Hai hội nầy sửa đổi lại võ thuật để biến thành một môn thể thao. Tấn pháp được hạ thấp, đòn thế được đơn giản hóa.
Kể từ năm 1911, Tinh Võ Thể Dục Hội bắt đầu mở chi nhánh khắp nước Trung Hoa, tại Tân Gia Ba (Singapore), Mã Lai, Sài Gòn, vân vân.
Hai hội lựa chọn vài bài quyền trong những môn phái dạy tại đây (Đàm Thoái, Bí Tông Quyền, Đường Lang Quyền, Thiếu Lâm Quyền...) để lập một chương trình riêng cho mỗi hội.
Môn võ hình thành tại Nam Kinh Trung Ương Quốc Thuật Quán được gọi là Trường Quyền nhưng có vài người đứng đầu hội cho đó là Thiếu Lâm Quyền ! Họ đã lạm dụng tên của hai môn võ danh tiếng thời xưa.
Ta phải công nhận là sự hệ thống hóa theo Tây Phương nầy có nhiều khía cạnh tốt. Nhờ đó mà những bậc thầy có dịp trao đổi kỹ thuật và ý kiến. Thêm vào đó, Đường Hào (1897-1959), thuộc ban quản trị của hội, viết ra nhiều quyển sách với cái nhìn khách quan về lịch sử võ thuật Trung Hoa, phân biệt truyền kỳ và lịch sử.

6- Lôi đài
Vào năm 1928, tại Nam Kinh, Trung Ương Quốc Thuật Quán tổ chức lần đầu tiên một cuộc thi võ tập trung võ sĩ toàn quốc (Quốc Thuật Quốc Khảo). Cuộc thi đấu diễn trên Lôi Đài không phân hạng cân, không mang bao tay. Nhưng vì quá nhiều võ sĩ bị thương, ban tổ chức đành phải hỏi những võ sĩ còn lại bầu võ sĩ vô địch! Người được bầu là Chu Quốc Phước (1891-1968), người tỉnh Hà Bắc, thuộc phái Hình Ý, La Hán, Suất Giao và Bát Quái.
Hiện giờ, sau một thời kỳ nghiêm cấm, những cuộc Tán Thủ được tổ chức lại, nhưng võ sĩ mang găng tay và áo giáp để tránh bị thương tổn nặng.

7- Phong trào "Tân Võ Thuật"
Phong trào canh tân võ thuật bắt đầu tại hai hội võ từ đầu thế kỷ, được tiếp tục trong thập niên 1950. Vào năm 1956, Quốc Gia Thể Ủy lập ra môn Trường Quyền, một tổng hợp của những môn quyền thuật thịnh hành trong Hồi dân. Môn quyền thuật nầy bỏ phần nhiều đòn thế chiến đấu để giữ lại và thêm vào những động tác mang tính chất biểu diễn. Xin nhắc lại là môn Trường Quyền nầy không có liên hệ với môn Trường Quyền của Nam Kinh Trung Ương Quốc Thuật Quán, hay với những môn Trường Quyền cổ xưa ! Môn Trường Quyền sáng tạo vào năm 1956 tương tự với môn thể thao nhào lộn, môn quyền nầy có tổ chức những cuộc biểu diễn bài quyền với trọng tài chấm điểm, y hệt như ta thường thấy với môn nhào lộn ! Những "võ sĩ" của môn Trường Quyền thường ít biết áp dụng đòn thế họ đã học qua.
Cùng một năm, môn Thái Cực Quyền được đơn giản hóa, trên tiêu chuẩn của môn Dương gia Thái Cực Quyền, để hình thành bài Giản Hóa Thái Cực Quyền gồm 24 thức.
Từ đó nhiều môn phái khác được chế hoặc sửa đổi : Nam Quyền, Đường Lang Quyền, Túy Quyền, Hầu Quyền, Xà Quyền, Địa Tranh Quyền...

8- Phong trào "Kung-Fu"
Phong trào "Kung-Fu" (Công Phu) nhập Tây Phương vào thập niên 1970. Sự kiện bắt đầu với những phim võ thuật của tài tử người Mỹ gốc Hoa, Lý Tiểu Long (Bruce Lee, 1940-1973). Lý sáng chế môn Tiệt Quyền Đạo (Jeet Kune Do), một môn quyền lẫn lộn Quyền Anh, Vịnh Xuân Quyền, Túc Quyền Đạo (Taekwondo), vài thế từ nhiều môn quyền thuật khác nhau. Bên Tây Phương, người ta đã lầm tưởng là tài tử Lý Tiểu Long sử dụng võ thuật Trung Hoa, và từ đó phong trào "Kung-fu" bành trướng.


Nguyễn Quí Jacques & Dufresne Thomas
(Trích từ "Dictionnaire des arts martiaux chinois", Paris, 1996)

Sự phân chia võ thuật Trung Hoa

Trước hết, chúng tôi muốn đề nghị một phân loại của Võ Thuật Trung Hoa :
- những môn vật còn được gọi là Suất Giao, là những môn có tính chất thể thao, bao gồm :
  * môn vật Trung Hoa,
  * môn vật Mông Cổ,
  * môn vật của tỉnh Vân Nam...,
- những môn quyền thuật có tính cách võ dũng, chứa đựng vài thế vật, binh khí và nội công;
- và cầm nả thuật.
Phải thêm vào đó những môn khí công; thịnh hành nhất là :
- Trạm thung công,
- Bát đoạn cẩm,
- Dịch cân kinh hay Dịch cân pháp,
- Ngũ cầm hý,
- Đại nhạn công,
- Hạc tường trang khí công...

Người Trung Hoa có hai cách phân chia Võ Thuật : một cách dựa theo địa thế, một cách dựa theo khuynh hướng.

I- Nam phái và Bắc phái

1) Trình bày
Một tục ngữ mà chúng ta thường nghe trong giới võ thuật Trung Hoa, là "Nam quyền Bắc thoái". Theo tục ngữ đó, phía nam sông Trường Giang (hay Dương Tử Giang) võ phái thường dùng quyền, còn phía bắc sông Trường Giang võ phái chuộng đòn chân. Chúng ta có thể hiểu theo hai nghĩa :
- quyền thuật phương Bắc sử dụng đòn đá hơn đòn tay, còn quyền thuật phương nam dùng đòn tay hơn đòn chân;
- ngược lại với Nam quyền thuật, Bắc quyền thuật dùng chân để phát lực.

2) Luận bàn
Cách phân chia nầy không được chính xác lắm, vì ta có thể tìm thấy vài trường hợp vượt ra ngoài lệ ấy :
- Hình Ý Quyền là một môn quyền thuật của hai tỉnh Hà Bắc và Sơn Tây, tức là ở phương Bắc, nhưng lại ít sử dụng đòn đá;
- môn Bát Cực Quyền củng vậy;
- Hoàng Phi Hồng (1847-1924), danh tài Nam quyền thuật, nổi tiếng nhờ cước pháp;
- Mộc Gia, quyền thuật của tỉnh Quảng Đông, có tiếng nhờ đòn đá,
- Thái Lý Phật, một trong những danh phái tại tỉnh Quảng Đông, có rất nhiều thế đá;
- Hồng Gia, một phái khác của tỉnh Quảng Đông, dùng tấn pháp thật rộng (còn gọi là đại mã), và dùng chân để phát lực;
- môn Cẩu Quyền, Nam quyền thuật, dựa vào đòn đá để chiến đấu...
Ngoài những trường hợp trên, ta có thể nói là quyền thuật Nam phái sử dụng nhiều đòn tay hơn những môn Bắc phái. Còn võ thuật phương bắc giàu kỹ thuật hơn : ngoài những đòn đánh hay đòn đá lại có nhiều thế hất, nhiều thế cầm nả tinh xảo...
Nhưng chúng ta không nên coi tục ngữ đó như một sự phân chia chính xác. Đây là một cách vắn tắt một sự kiện bằng bốn chữ "Nam quyền Bắc thoái".

3) Hai sự phân chia khác
Năm 1911, Tinh Võ Thể Dục Hội đề nghị cách sắp xếp theo những con sông quan trọng của Trung Hoa. Cách sắp xếp đó như sau :
-những môn phái nằm trên vùng đồng bằng sông Trường Giang,
-những môn phái nằm trên vùng đồng bằng sông Hoàng Hà,
-những môn phái nằm trên vùng đồng bằng sông Châu Giang.
Vì những trao đổi văn hóa và kỹ thuật lúc xưa thường theo dòng sông mà lưu hành.

Theo chúng tôi nghỉ, nếu muốn được chính xác hơn, ta phải sắp xếp võ thuật Trung Hoa theo những trung tâm phát triển. Những môn quyền cùng một nơi sẽ ảnh hưởng lẩn nhau.
Những trung tâm phát triển danh tiếng của võ thuật Trung Hoa là :
-Tung Sơn tại tỉnh Hà Nam,
-Quán huyện và Lao Sơn tại tỉnh Sơn Đông,
-Thương Châu tại tỉnh Hà Bắc,
-Quảng Châu và Phật Sơn tại tỉnh Quảng Đông,
-Phước Châu tại tỉnh Phước Kiến,
-Nga Mi Sơn tại tỉnh Tứ Xuyên, vân vân...

II- Nội Gia và Ngoại Gia

1) Trình bày
Từ thế kỷ thứ 19, theo một truyền kỳ, võ thuật Trung Hoa được chia ra hai khuynh hướng đối nghịch nhau :
- quyền thuật thuộc Nội Gia bao gồm :
- Thái Cực Quyền,
- Bát Quái Chưởng,
- Hình Ý Quyền,
lại có học giả thêm vào đó :
- những quyền thuật thuộc núi Võ Đang, và
- Lục Hợp Bát Pháp Quyền;

- và quyền thuật thuộc Ngoại Gia bao gồm tất cả những môn quyền pháp còn lại.

Nhiều giải thích được nêu ra :
- những môn Nội Gia Quyền gốc từ núi Võ Đang và những môn Ngoại Gia Quyền xuất từ núi Tung Sơn; người ta còn gọi Nội Gia Quyền là Võ Đang Môn và Ngoại Gia Quyền là Thiếu Lâm Môn ;
- Nội Gia Quyền dùng Khí và Ngoại Gia Quyền dùng Lực ;
- động tác trong Nội Gia Quyền mềm dẻo và chậm đều, động tác của Ngoại Gia Quyền cương ngạnh và nhanh lẹ;
- Nội Gia Quyền thủ nhiều hơn công, Ngoại Gia Quyền công nhiều hơn thủ;
- Nội Gia Quyền xuất từ Đạo gia, Ngoại Gia Quyền gốc từ Phật gia;
- Nội Gia Quyền luyện trong nhà, Ngoại Gia Quyền tập ngoài sân;
- vân vân...

2) Luận bàn
Nhưng khi ta xét kỷ lại :
- ba môn chánh trong Nội Gia không có gốc từ núi Võ Đang (Thái Cực Quyền xuất từ tỉnh Hà Nam, Hình Ý Quyền từ tỉnh Sơn Tây, Bát Quái Chưởng từ tỉnh Hà Bắc),
- những môn nầy không phải những môn duy nhất xử dụng Nội Công,
- trong Nội Gia có môn Hình Ý Quyền dùng động tác nhanh lẹ và cương ngạnh,
- và Nội Gia Quyền chỉ mới hấp thụ lý thuyết Đạo gia sau nầy;
và :
- có những môn thuộc Ngoại Gia không xuất phát từ chùa Thiều Lâm,
- Ngoại Gia Quyền không chỉ chú trọng luyện Lực mà còn luyện Nội Công (theo truyền thống của Thiếu Lâm Quyền, môn phái vừa cương vừa nhu, có nội và ngoại công),
- trong Ngoại Gia có vài môn chủ trương động tác nhu nhuyễn,
- Ngoại Gia Quyền không xuất phát cả từ Phật gia (theo truyền thuyết, Bạch Mi Quyền được sáng lập bởi một đạo sỉ);
và để cho một ví dụ :
- chiến đấu pháp của Hình Ý Quyền (thuộc Nội Gia) rất tương tự với chiến đấu pháp của Bát Cực Quyền (thuộc Ngoại Gia);
nên ta rất nghi ngờ những định nghĩa nêu trên về Nội và Ngoại Gia.

3) Nghiên cứu lịch sử
Chúng ta phải phân biệt ra hai Nội Gia Quyền : một võ phái và một nhóm bao gồm ít nhất ba võ phái.

a) Nội Gia Quyền cổ truyền
Theo sự hiểu biết hiện nay, danh từ Nội Gia bắt nguồn từ văn hào kiêm triết học gia Hoàng Tông Hy (1610-1695), và được ông ghi lại trong bài "Vương Chinh Nam mộ chí minh" viết vào năm 1669.

Nội Gia Quyền vào thời đó là tên của một võ phái với lý thuyết đối lập với lý thuyết của Thiếu Lâm Quyền (dĩ tỉnh chế động, dỉ khí vận lực, dỉ nhu khắc cương, hóa kình, vân vân...). Theo Hoàng Tông Hy, người tổ khai sáng môn phái là Trương Tam Phong, một đạo sỉ danh tiếng tại núi Võ Đang (vào thế kỷ thứ 12 hay 15, vì có hai đạo sỉ trùng tên sống vào hai thời đại khác nhau).

Để đáp lại với núi Tung Sơn, núi của Phật Giáo, người ta đã đưa ra núi Võ Đang, núi của Đạo Giáo. Và người đã đối nghịch Đạt Ma (thế kỷ thứ 6), một tăng sỉ, với Trương Tam Phong, một đạo sỉ.

Như vậy Vương Chinh Nam (1617-1669), Hoàng Tông Hy và con của Tông Hy là Hoàng Bách Gia (1634-?) có luyện Nội Gia Quyền. Và Hoàng Bách Gia có truyền lại quyển "Nội Gia Quyền pháp", một quyển sách đã ảnh hưởng rất nhiều môn Nội Gia hiện đại.
Cho tới nay, ta tưởng là môn Nội Gia Quyền đã bị thất truyền. Nhưng vào đầu thế kỷ thứ 20, Trần Hiểu Đông (1871-1934) và Vương Vệ Thận công khai truyền dạy chi phái Tòng Khê Nội Gia Quyền...

b) Nội Gia Quyền hiện đại
Sự phân chia nầy xẩy ra tại Bắc Kinh, vào năm 1894, khi Bát Quái Quyền sư Trình Đình Hoa (1848-1900) (đệ tử của Đổng Hải Xuyên, người sáng lập ra Bát Quái Chưỡng), Hình Ý Quyền sư Lưu Vĩ Lan, Lý Tồn Nghỉa (1847-1921) và Dương gia Thái Cực Quyền sư Lưu Đức Khoan (?-1911) (đệ tử của Dương Lộ Thiền) đề nghị hợp ba môn quyền thuật nầy lại làm một môn phái riêng biệt lấy tên là Nội Gia Quyền...

Sau đó Tôn Lộc Đường (1861-1933), đệ tử của Trình Đình Hoa, trong quyển sách "Bát Quái Quyền học", xuất bản vào năm 1916, xác nhận là Trương Tam Phong là tổ của môn Nội Gia Quyền, và ghi là Thái Cực Quyền, Hình Ý Quyền và Bát Quái Chưởng thuộc môn Nội Gia.

Vào năm 1921, Hứa Vũ Sinh trong quyển "Thái Cực quyền thế đồ giải", cho Trương Tam Phong là tổ của môn Thái Cực Quyền. Và ông lại nhập cây phả hệ của Thái Cực Quyền vào cây phả hệ của Nội Gia Quyền.
Ông cho là Vương Tông, thuộc Nội Gia Quyền, học trò của Trương Tam Phong (thế kỷ thứ 15) là Vương Tông Nhạc (thế kỷ thứ 18). Nhưng Vương Tông là người tỉnh Thiểm Tây sống vào thế kỷ thứ 15 còn Vương Tông Nhạc là người tỉnh Sơn Tây sống vào thế kỷ thứ 18 !

Hứa Vũ Sinh cho bắt nguồn từ Vương Tông Nhạc hai chi phái :
- Nam phái Thái Cực Quyền với những danh sư của Nội Gia Quyền như Trần Châu Đồng (thế kỷ thứ 16), Trương Tòng Khê (thế kỷ thứ 16), Diệp Cận Tuyền, vân vân, ba người nầy đều là người tỉnh Triết Giang,
- Bắc phái Thái Cực Quyền với những danh sư của Thái Cực Quyền như Tưởng Phát (thế kỷ thứ 16 và 17), Trần Trường Hưng (thế kỷ thứ 18), người tỉnh Hà Nam, Dương Lộ Thiền, người tỉnh Hà Bắc, vân vân...
Và từ đó, gần như ai củng xác nhận là Thái Cực Quyền là thuộc Nội Gia đối lập với Thiếu Lâm Quyền, thuộc Ngoại Gia.
Mặc dầu vào năm 1939, Hứa Vũ Sinh trong quyển "Thái Cực Quyền", đính chánh sự sai lầm của cuốn sách trước của ông.

Sự phân tách hiện đại của võ thuật Trung Hoa ra hai đại môn phái Nội Gia và Ngoại Gia phát xuất từ một sự ngụy tạo hóa lịch sử võ thuật Trung Hoa, chớ không dựa vào nguyên tắc hay phương pháp luyện tập khác biệt, như ta có thể lầm tưởng !

4) Kết luận
Để kết thúc phần nầy, chúng tôi xin tóm tắt lại :
- hiện nay, có ba loại Nội Gia Quyền :
- môn Nội Gia Quyền xưa phát sinh từ thế kỷ thứ 17, mà tới những năm gần đây người ta tưởng là thất truyền,
- những môn võ cận đại tụ hợp trên núi Võ Đang nhằm mục đích thỏa mãn sự đòi hỏi của du khách (những môn nầy có gốc từ Dương gia Thái Cực Quyền, quyển sách của Thích Kế Quang, Bát Cực Quyền, Bát Quái Chưởng...) và
- một nhóm bao gồm Thái Cực Quyền, Bát Quái Chưởng và Hình Ý Quyền, nhóm nầy được hình thành vào thế kỷ thứ 19;
- và có ba loại Ngoại Gia Quyền :
- cổ Thiếu Lâm Quyền dạy tại chùa trước thập niên 1980,
- tân Thiếu Lâm Quyền hiện dạy tại chùa, môn nầy một phần có gốc từ môn Thiếu Lâm xưa,
- những môn võ hiện nay tự xưng có gốc từ chùa Thiếu Lâm.

III- Cựu và Tân Võ Thuật
Để kết thúc bài báo nầy, chúng tôi muốn đề nghị một sự sắp xếp thứ ba, vì hiện nay, nhiều thầy võ dạy lẩn lổn những môn võ truyền thống có tính cách võ dũng, và những môn võ tân thời có tính cách thể thao và biểu diễn. Ta phải phân biệt rõ rệt hai nhóm võ thuật nầy.
Những môn võ tân thời, ngoài vài môn (Ý Quyền, Kim Cang Thiền Tự Nhiên Môn...), không có thực dụng chiến đấu. Những môn nầy có tính cách biểu diễn đoạt huy chương.
Những môn võ truyền thống, ngoài vài môn, có áp dụng chiến đấu và tác dụng dưỡng sinh.


Nguyễn Quí Jacques và Dufresne Thomas
(Trích từ "Dictionnaire des arts martiaux chinois", Paris, 1996)

VỊNH XUÂN QUYỀN, truyền thuyết và thực tại

medium_STVT47_VinhXuan001.jpg

Vịnh Xuân Quyền là một trong những môn võ phát triển mạnh ngoài Trung Quốc (Việt Nam, Mỹ, Âu Châu). Vì khuôn khổ hạn hẹp của bài báo nên một khảo sát có tính khoa học về lịch sử và lý thuyết của môn phái không thể hoàn thành. Bài nầy chỉ ghi nhận những điều gom góp từ tư liệu, sự học hỏi và hiểu biết của tác giả.

I- Nguồn gốc và phát triễn
Tại Quảng Đông và Hương Cảng, hiện lưu hành 2 thuyết về nguồn gốc của môn Vịnh Xuân Quyền.

1) Thuyết của Diệp Vấn và Lương Quang Mãn :
Thuyết của Diệp Vấn (Yip Man) cho Vịnh Xuân Quyền bắt nguồn từ Ngũ Mai sư thái, một trong năm người tương truyền đã trốn thoát cuc hỏa thiêu chùa Thiếu Lâm vào thế kỷ thứ 18. Bốn người kia là Phùng Đạo Đức, Chí Thiện thiền sư, Bạch Mi đạo nhân và Miêu Hiền.
Ngũ Mai sư thái, sau khi nhìn một cuộc ấu đả giửa con hạc và con cáo, sáng tác ra môn quyền mới rồi truyền môn đó lại cho Nghiêm Vịnh Xuân. Nghiêm dạy lại cho chồng là Lương Bác Trù. Lương Bác Trù sau đó cho tên là Vịnh Xuân Quyền.
Đệ tử của Lương Bác Trù là y sỉ Lương Lan Quế. Lương Lan Quế truyền cho Hoàng Hoa Bảo, diễn viên của một đoàn hát dạo. Vào thời đó, Vịnh Xuân Môn chỉ có quyền thuật và môn đao pháp gọi là Bát trảm đao. Trong đi hát của Hoàng Hoa Bảo, có một người lái thuyền, tên là Lương Nhị Để, giỏi môn Lục điểm bán côn (môn côn pháp nầy Lương học với... Chí Thiện thiền sư!). Hai người trao đổi nhau quyền, đao và côn. Lương dựa theo lý thuyết của Vịnh Xuân để sáng tác ra phương pháp "Li côn" (Niêm côn), tương tự như phương pháp "Li thủ" (Niêm thủ).
Theo Lương Quang Mãn (Quảng Đông), Nghiêm Vịnh Xuân không học với Ngũ Mai sư thái, mà sáng chế môn võ sau khi nhìn thấy bạch hạc đánh với thanh xà. Bà cùng với chồng là Lương Bác Trù đến Quảng Đông truyền dạy Vịnh Xuân Quyền cho bốn người hát dạo là Hoàng Hoa Bảo, Lương Nhị Để, A Cẩm (còn có tên là Đại Hoa Diện Cẩm) và Tôn Phước.
Lương Nhị Để truyền cho Lương Tán, người tỉnh Phật Sơn, một lương y với biệt danh là "Vịnh Xuân Quyền vương". Ông có bốn người học trò : hai đứa con trai là Lương Xuân và Lương Bích, Mộc Nhân Hoa và Trần Hoa Thuận tự Hoa Tiền Hoa.
Trần Hoa Thuận có tất cả 16 học trò : con trai Trần Nhử Miên, những đệ tử Ngô Trọng Tố, Lôi Nhử Tể, Diêu Tài, Quách Bảo Toàn, Diệp Vấn... Sau khi Trần Hoa Thuận mất, Diệp Vấn tiếp tục học với Ngô Trọng Tố. Sau đó Diệp Vấn được may mắn thọ giáo với Lương Bích, con trai của Lương Tán.
Trên đây chỉ ghi lại những điều được truyền lại trong giới võ thuật, dỉ nhiên chúng tôi không tin là chuyện Nghiêm Vịnh Xuân và Ngũ Mai có thật.

2) Thuyết của Bành Nam và Diệp Chuẩn :
Hiện nay tại tỉnh Quảng Đông, Vịnh Xuân Quyền vẩn được truyền dạy.
Theo Bành Nam (Pan Nam, 1909-1995), truyền nhân đời thứ hai của Lôi Nhử Tể và Trần Nhử Miên, môn Vịnh Xuân bắt nguồn từ ni cô Nhất Trần. Bà có một đệ tử là Trương Ngũ tự Than Thủ Ngũ, người tỉnh Hồ Nam.
Theo Diệp Chuẩn (Yip Chun), con của Diệp Vấn, quyển "Việt kịch sử nghiên cứu" của Khiếu Hà Quân, có ghi lại : "Trước triều Hoàng Đế Ung Chánh, sự phát triển của hát kịch ở tỉnh Quảng Đông rất hạn chế. Vì thiếu sự tổ chức qui mô. Dưới triều Hoàng Đế Ung Chánh (1723-1736), Trương Ngũ, tự Than Thủ Ngũ, người tỉnh Hồ Nam đem thuật hát kịch tới tỉnh Phật Sơn và tổ chức lại Hồng Hoa Hội quán. Từ đó Việt kịch mới phát triển." Sách còn ghi thêm : "Ngoài hát kịch ra, Than Thủ Ngũ còn giỏi võ thuật. Thế "Than thủ" của ông danh tiếng trong Võ Lâm."
Diệp Chuẩn còn tìm được trong "Trung Quốc hí khúc sử" của Mảnh Dao, quyển III, trang 631, xuất bản lần thứ nhất vào năm 1968, đoạn văn như sau : "Dưới triều Hoàng Đế Ung Chánh, Trương Ngũ không ở lại Kinh được, nên phải lẩn tránh tại Phật Sơn. Ông còn có biệt danh là Than Thủ Ngũ, rất giỏi văn chương và võ thuật, tinh thông nhạc và thuật hát kịch. Ông đặc biệt giỏi môn võ của Thiêu Lâm tự. Tại Phật Sơn, ông truyền lại môn hát kịch và võ nghệ trong giới "Hồng Thuyền đệ tử" và thành lập Hồng Hoa Hội quán. Cho tới nay, Trương Ngũ vẩn được tôn là tổ môn kịch của tỉnh Quảng Đông."
Vì chuyện Trương Ngũ tới Phật Sơn xẩy ra dưới triều đại Hoàng Đế Ung Chánh (1723-1736), hơn một trăm năm sự tích Nghiêm Vịnh Xuân (dưới triều Hoàng Đế Đạo Quang trị vì từ 1821 tới 1850) nên Diệp Chuẩn cho thuyết nầy đáng tin hơn. Vả lại thế Than thủ là một đặc kỹ của Vịnh Xuân Quyền, không tìm thấy trong môn phái khác. Và theo Diệp Chuẩn, bộ pháp "Nhị tự kiềm dương mã" thích hợp với sư di chuyển trên thuyền bè, nơi mà những người hát dạo thường sống!
Theo Bành Nam, Vịnh Xuân Quyền truyền từ Than Thủ Ngũ (đầu thế kỷ thứ 18) tới Hoàng Hoa Bảo, Lương Nhị Để và Đại Hoa Diện Cẩm, người trong giới "Hồng thuyền tử đệ".

3) Những nơi phát triển Vịnh Xuân Quyền :
Hiện nay tại Trung Quốc, Vịnh Xuân bành trướng tại tỉnh Quảng Đông. Tại Quảng Châu có Bành Nam, Sầm Năng; tại Phật Sơn có Lương Quang Mãn, Trần Ứng Tùng, Châu Kiện Cường; tại Thuận Đức, có cháu nội của Trần Hoa Thuận; tại Úc Môn, có Lương Quyền... Tất cả đều có nguồn gốc từ Trần Hoa Thuận.
Diệp Vấn (Yip Man, 1898-1972) là người đầu tiên phổ biến môn Vịnh Xuân tại Hương Cảng. Từ Hương Cảng, Vịnh Xuân Quyền bành trướng tới Âu Châu (Pháp, Anh, Đức...), Úc Châu và Mỹ Châu.
Môn Vịnh Xuân nhập Việt Nam nhờ công của Nguyễn Tể Vân (1877-1960). Tại đây, ông được biết với tên là Nguyễn Tế Công hay Cống Xếnh Xáng (Công Tiên sinh). Học trò tại Việt Nam là Nguyễn Duy Hải (1917-1988), Lục Vỉnh Khải (khoảng 1929-1979), Ngô Sĩ Quý, Trần Văn Phùng (1902-1988), Trần Thúc Tiền, Đổ Bá Vinh...
Bài bản ông truyền tại Việt Nam là Tiểu niểm đầu, Mộc nhân thung, Lục điểm bán côn và Bát trảm đao. Ông còn truyền thêm bài Ngũ hình quyền.
Theo Võ Lê, tại Sài Gòn, có Hoắc Phi Hùng, Huỳnh Bá Phước, Phùng Điềm truyền dạy Vịnh Xuân Quyền.
Và cuối cùng, chi phái của Diệp Vấn được lưu truyền vào thập niên 1970 trong một thời gian ngắn tại Sài Gòn.

II- Chương trình và đắc điểm
1) Chương trình :
Tại Trung Quốc và Hương Cảng, quyền thuật bao gồm ba bài quyền : Tiểu niệm đầu, Tầm kiều và Tiêu chỉ, và một bài Mộc nhân thung. Tại Quảng Đông bài Tiêu chỉ được dạy trước bài Tầm kiều. Hai bài binh khí của môn phái là : Bát trảm đao và Lục điểm bán côn.
Tại Việt Nam, Nguyễn Tế Công để lại hai chi nhánh :
- theo Hồ Nam Long, tại Sài Gòn, chi nhánh của Nguyễn Hải tự Hồ Hải Long (1917-1988) truyền dạy ba bài quyền : Tiểu niệm đầu, Ngũ hình quyền và Hạc hình hư bộ, một bài Mộc nhân thung và hai bài Bát trảm đao và Lục điểm bán côn,
- theo Hồ Nam Long, tại Hà Nội, có chi nhánh của Ngô Sĩ Quý; chương trình bao gồm Thủ đầu quyền, Khí công quyền, Ngũ hình quyền tổng hợp, Long quyền, Xà quyền, Hổ quyền, Báo quyền, Hạc quyền, Nhất linh bát (hay Một linh tám) và một bài Mộc nhân thung, trong binh khí có hai bài Bát trảm đao và Lục điểm bán côn.
Tại Việt Nam, chỉ bài đầu tiên (Tiểu niệm đầu hay Thủ đầu quyền) giống với bài Tiểu niệm đầu của chi phái Trung Quốc và Hương Cảng.
Sau đây, xin lược trình các bài bản để trình bày những đắc điểm của môn phái.

2) Tiểu niệm đầu :
Đặc điểm của bài là không chuyển bộ, suốt bài chỉ đứng thế "Nhị tự kiềm dương mã", thân thể hơi nghiêng về sau. Như tên cho thấy, bài chứa đựng những thế căn bản quan trọng của môn phái như Than thủ, Bàng thủ, Nhựt tự xung quyền, Phách thủ, Hộ thủ, Phục thủ... Toàn bài đánh hai tay nới giản, không dùng lực, đòn thế xuất phát trên "trung tâm tuyến".
Bài đặc biệt chú trọng luyện sự biến chuyển từ Phục thủ qua Hộ thủ, lúc luyện hai thế nầy giống như lạy Phật ba lần nên bài còn có tên là Tam bái Phật.

Thiệu bài Tiểu niệm đầu theo Lương Đỉnh (Leung Ting)
1- Mã khai bán bộ chi Nhị tự kiềm dương mã
2- Giao xoa than thủ giao xoa bát thủ cổn thủ thâu quyền
3- Nhựt tự xung quyền khuyên thủ thâu quyền
4- Than thủ bán khuyên thủ hộ thủ phục thủ
5- Trắc chưởng chánh chưởng than thủ khuyên thủ thâu quyền
6- Tả hữu án thủ hậu án thủ tiền án thủ
7- Lan thủ phất thủ lan thủ song chẩm thủ song than thủ tiêu chỉ thủ
8- Trường kiều án thủ song đề thủ thâu quyền
9- Trắc chưởng hoành chưởng thâu quyền
10- Than thủ chẩm thủ quát thủ
11- Lao thủ hạ lộ hoành chưởng thâu quyền
12- Bàng thủ than thủ ấn chưởng thâu quyền
13- Thoát thủ liên hoàn xung quyền thâu thức

Thiệu bài Tiểu niệm đầu theo Lương Quang Mãn (Quảng Đông)
1- Khai thung mã
2- Song giao tiển
3- Bài chỉ
4- Phật chưởng
5- Sát thủ
6- Lạp thủ
7- Xí chưởng
8- Than thủ
9- Bàng thủ
10- Thoát thủ

3) Tầm kiều :
Bài Tầm kiều chú trọng luyện chuyển bộ theo bộ pháp đặc biệt của môn phái. Lúc tiến theo thế "Đạp bộ", chân trước bước kéo chân sau lết theo, trọng tâm thân thể luôn luôn đặt tại chân sau. Lúc địch thủ tấn công, thế "chuyển mã" dời trung tâm tuyến và dẫn đòn đối thủ vào khoảng không. Đây là lý thuyết "dùng bộ pháp tìm tay (tầm kiều) đối thủ", "dùng eo xoay phá giải đòn công của địch"...
Ba thế đá được dẫn nhập : Đề thoái, Trực đăng thoái và Trắc sanh thoái. Môn sinh Vịnh Xuân Quyền thường dùng chân trước để đá, chân vừa đá liền tiến một bước tới để nhập nội liên hoàn đả kích đối thủ.
Những thủ pháp mới được dạy là Chánh thân vấn thủ, Phê tranh, Xuyên kiều, Trắc thân án thủ, Trừu chàng quyền, Đàn kiều xung quyền...

Thiệu bài Tầm kiều theo Diệp Chuẩn (Yip Chun)
1- Mã khai bán bộ chi Nhị tự kiềm dương mã
2- Giao xoa than thủ giao xoa bát thủ cổn thủ thâu quyền
3- Nhựt tự xung quyền khuyên thủ thâu quyền
4- Xuyên kiều chuyển mã cập lan thủ (tả hữu phê tranh)
5- Song phục thủ phách thủ chánh chưởng cập h thủ
6- Chuyển thân lan thủ giao xoa than thủ cập chuyển thân bàng thủ
7- Lan thủ xung quyền phất thủ phục thủ thoát thủ khuyên thủ thâu quyền
8- Cầm lan trắc thân lan thủ khởi đề thoái
9- Hoành đạp bộ trắc thân bàng thủ cập trắc thân giao xoa than thủ tam thức
10- Trừu chàng quyền phục thủ thoát thủ khuyên thủ thâu quyền
11- Trực đăng thoái đạp bộ đê bàng thủ cập song than thủ chánh thân song vấn thủ
12- Song trất thủ song ấn chưởng thâu quyền
13- Chuyển thân trắc sanh thoái trắc thân án thủ đàn kiều xung quyền
14- Liên hoàn xung quyền khuyên thủ thâu thức

Thiệu bài Tầm kiều theo Lương Quang Mãn (Quảng Đông)
1- Khai thung mã
2- Song giao tiển
3- Bài chỉ
4- Tầm kiều
5- Lan kiều thủ
6- Đơn bàng thủ
7- Song bàng thủ
8- Tam không thủ

4) Tiêu chỉ :
Bài Tiêu chỉ áp dụng nguyên lý "Dĩ công vi thủ" và "Dĩ đả vi tiêu". Những kỹ thuật mới là Quải tranh, Trắc thân vấn thủ, Thượng hạ sạn thủ, Khuyên cát thủ, Thượng hạ canh thủ... và bộ pháp Khấu bộ. Riêng thế đánh chỏ, chi phái Hương Cảng chỉ có một đòn (chỏ đánh tréo từ trên xuống), sau Diệp Chuẩn thêm hai thế khác : Phê trửu (chỏ đánh ngang) và Cập trửu (chỏ đánh tréo từ dưới lên) lấy từ chi phái Quảng Đông.
Bài còn dẫn nhập nguyên lý "dùng eo phát lực" và "lực quán chỉ". Và có tên là Tiêu chỉ vì sử dụng rất nhiều thế tiêu chỉ thủ (thế xỉa bằng đầu ngón tay).

Thiệu bài Tiêu chỉ theo Diệp Chuẩn (Yip Chun)
1- Mã khai bán bộ chi Nhị tự kiềm dương mã
2- Giao xoa than thủ giao bát thủ cổn thủ thâu quyền
3- Nhựt tự xung quyền khuyên cát thủ thâu quyền
4- Chuyển thân quải tranh tiêu chỉ thủ thâu quyền
5- Khấu bộ chuyển thân quải tranh tiêu chỉ thủ hạ lộ sạn thủ
6- Phục thủ thoát thủ thâu quyền
7- Chuyển thân quải tranh tiêu chỉ thủ
8- Phục thủ thoát thủ thâu quyền
9- Chuyển thân thượng hạ canh thủ phục thủ thoát thủ thâu quyền
10- Trắc thân vấn thủ chẩm thủ chuyển thân phục thủ thoát thủ thâu quyền
11- Tiêu chỉ thủ chuyển thân thượng lộ sạn thủ phất thủ phục thủ thoát thủ thâu quyền
12- Cầm nả thủ trừu chàng quyền ấn chưởng thâu quyền
13- Tam cúc cung đại huýnh hoàn thủ
14- Liên hoàn xung quyền khuyên thủ thâu quyền

Thiệu bài Tiêu chỉ theo Lương Quang Mãn (Quảng Đông)
1- Khai thung mã
2- Song giao tiển
3- Bài chỉ
4- Cập trửu
5- Quải trửu
6- Phê trửu
7- Nhị đồng thủ
8- Dương thủ
9- Tháp chùy
10- Bái phật

5) Li thủ và li cước :
Phương pháp "Li thủ" phát triển phản xạ đôi tay, môn sinh nhập nội vừa tiếp tay đối phương là tìm được sơ hở, tức thì tấn công. Chủ đích là đạt tới trình độ hai tay đánh đỡ không cần suy nghỉ. Tại Việt Nam, phương pháp có tên là "Niêm thủ".
"Li đơn thủ" (tập niêm thủ một tay) được dạy sau bài Tiểu niệm đầu. Đơn li thủ kết hợp theo một chu kỳ những thế Than thủ, Phục thủ, Chánh chưởng, Chẩm thủ, Nhựt tự quyền và Bàng thủ, và chú trọng sự chuyển biến giữa hai thế Than và Bàng thủ.
"Li song thủ" bắt đầu với "Bàn thủ" và tiếp với phương pháp "Nhất phục nhị" để cuối cùng tới li thủ tự do, áp dụng nguyên lý "Bất truy thủ", "Tá lực xảo đả", "Tiêu đả đồng thời", "Tá lực phản đàn, khiêu kiều sang công", "Kiều để xuyên xuất", "Án đầu ngật vỹ", "Lại lưu khứ tống, súy thủ trực xung"...
Trong phương pháp "Li cước" hai người đứng trên một chân, dùng chân kia chạm nhau, tạo sơ hở bằng những đòn móc chân (Khấu thoái) để rồi tấn công bằng những thế đá của môn phái.

6) Mộc nhân thung :
Thủ công phản biến thể hiện rõ trong bài nầy. Bài còn chủ luyện lực, kết cấu của mộc nhân buộc người tập phải biết dùng lực, mới làm rung chuyển thân của mộc nhân. Toàn bài của chi phái Hương Cảng gồm 140 thế sau Diệp Vấn giảm lại còn 116 thế, trong đó có 16 thế cước của môn phái (thật sự là 8 thế nhưng dùng bên trái và bên phải). Đặc biệt hai thế Thập tự thoái và Tiệt tảo thoái, ngược lại với tất cả thế cước khác, dùng chân sau để đá.
Theo Lương Đỉnh (Leung Ting), tám thế cước là : Trực đăng thoái, Hoành sanh thoái, Tà đà tất thoái, Thập tự thoái hay Hoành sái thoái, Tiệt tảo thoái, Khấu đàn thoái, Tà đà cước thoái, Hoành đà tất thoái.
Bài còn phát triển nguyên tắc "Tam giác".
Bài Mộc nhân thung chi phái Quảng Đông có hơn 160 động tác.

7) Lục điểm bán côn :
Cây côn sử dụng trong môn phái thuộc trường côn, dài ít nhất 2 thước rưỡi. Bộ pháp bao gồm Tứ bình mã và Tý ngọ mã là những bộ pháp thực dụng trong những môn phái tỉnh Quảng Đông, khác hẳn với những thế tấn đặc biệt của quyền thuật Vịnh Xuân.
Theo Lương Đỉnh, bảy thế côn căn bản là : Thương, Khuyên cái, Thiêu, Bát, Trừu, Đàn và Bán già.
Côn pháp tuy giới hạn về thế căn bản nhưng được hổ trợ bởi nguyên tắc "Tùy địch chi biến nhi biến", "Dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu" và phương pháp "Li côn".
Phương pháp "Li côn" tương tự như "Li thủ", hai côn giao nhau chuyển động theo "Khuyên côn", từ đó ta tìm hay tạo sơ hở, kiềm chế hay đánh rơi côn đối phương để tiến nhập tấn công bụng, ngực, cổ họng hay màng tang địch thủ bằng những thế "Tiêu long thương", "Bán già"...

8) Bát trảm đao :
Đao sử dụng trong bài thuộc loại Hồ điệp song đao (song tô). Bài chia ra tám đoạn, mỗi đoạn phân tách một thế đao chánh. Như côn pháp, đao pháp áp dụng nguyên tắc kiềm chế hay đánh rơi binh khí địch để nhập nội an toàn kết thúc trận đấu.
Theo Lương Đỉnh, Diệp Vấn chỉ dạy bài Bát trảm đao cho bốn người đệ tử. Hiện nay, nhiều bài đao khác nhau mang tên nầy, khó phân biệt được bài nào truyền lại từ Diệp Vấn.
Theo Diệp Chuẩn, tám đoạn bài Bát trảm đao là : 1) Giáp đao thức, 2) Lập trảm đao, 3) Than trảm đao, 4) Song canh đao, 5) Cổn bàng đao, 6) Nhất tự đao, 7) Vấn đao, 8) Quải đao.

Ngoài những bài nêu trên, Vịnh Xuân Quyền còn có nhiều phương pháp luyện tập phụ thuộc bổ túc : đá Tam tinh thung, đánh bao cát...
***
Lịch sử Vịnh Xuân Môn hổn hợp nhiều truyền thuyết từ nguồn gốc khác nhau, cần xét lại trong một khuôn khổ khác. Chi phái của Diệp Vấn phổ biến hơn những chi phái khác. Vịnh Xuân Quyền sử dụng một số giới hạn đòn thế đơn giản nhưng hữu dụng. Là một phái chuyên cận chiến nên đã phát triển tới mức độ cao phương pháp "niêm thủ thính kình" và nguyên tắc "mượn lực địch để phản công". Riêng Lục điểm bán côn tuy không phải là một võ khí dùng đánh gần nhưng không vượt ngoài lý thuyết đã dựng lên một nên tảng vững chắc cho môn phái.

Tài liệu tham khảo
1) Leung Ting, Wing Tsun Kuen, Hương Cảng, 1978,
2) Genealogy of Ving Tsun Kuen, Hương Cảng, 1990,
3) Yip Chun, 116 Wing tsun dummy techniques, Hương Cảng, 1991,
4) Wu Bin, Li Xingdong và Yu Gongbao, Essentials of Chinese Wushu, Trung Quốc, 1992,
5) Yip Chun và Connor Danny, Wing Chun, skill and philosophy, Luân Dôn, 1992,
6) Võ Lê, Vài danh sư Vịnh Xuân phái trước năm 1975 ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Sổ Tay Võ Thuật 35, năm 1996.

Nguyễn Quí Jacques & Dufresne Thomas
Báo Sổ Tay Võ Thuật số 47, tháng 5 năm 1997

19 novembre 2006

Hồng Gia Quyền, võ phim ảnh, võ thực tế

medium_STVT46_HongGia002.2.jpg

Qua tiểu thuyết và phim ảnh, chúng ta được biết tới Hoàng Phi Hồng và môn Hồng Gia Quyền. Phim đầu tiên ra mắt khán giả vào năm 1949 với Quan Đức Hưng thủ vai chính. Từ 1991 đến 1993, một phim nhiều kỳ thực hiện tại Trung Quốc đã làm sống lại nhân vật nầy trong ký ức giới ham mộ võ thuật.
Tại Hương Cảng, vào cuối thập niên 1970, đạo diễn kiêm võ sư Hồng Gia Quyền, Lưu Gia Lương (sanh năm 1936) đã thực hiện nhiều phim lấy chủ đề Thiếu Lâm tự, Hồng Gia Quyền và Hoàng Phi Hồng. Trước đó Lưu Gia Lương đã làm cố vấn võ thuật cho đạo diễn Trương Triệt trong khá nhiều phim võ thuật, trong đó phim "Phương Thế Ngọc và Hồng Hy Quan" được biết hơn hết... Lưu Gia Lương đã dựa vào môn Hồng Gia để sáng tác nhiều thế ngoạn mục dùng trong những phim do ông đạo diễn (Thiếu Lâm tam thập lục phòng, Lục A Thải và Hoàng Phi Hồng, Thần đả...). Nhưng khán giả chăm chú có thể thấy vài chiêu thuộc Thập hình quyền của Hồng Gia chánh tông. Vậy nên, môn võ nầy không thoát thai từ trí tưởng tượng của một nhà văn hào mà chính là một võ phái bắt nguồn từ thế kỷ thứ 19, mà tục lệ thường xếp trong năm môn phái lớn tỉnh Quảng Đông (Hồng Gia, Lý Gia, Lưu Gia, Mộc Gia, Thái Gia).

Theo truyền thuyết, Hồng Gia Quyền xuất từ Hồng Hy Quan, một nhân vật trong Thiếu Lâm thập hổ, đệ tử của Chí Thiện thiền sư. Vết tích duy nhất và xưa nhất về Hồng Hy Quan được tìm thấy trong truyện "Càn Long tuần hạnh Giang Nam ký" (tại Việt Nam, có tên là "Càn Long hạ Giang Nam") xuất bản vào cuối thế kỷ thứ 19. Như vậy Hồng Hy Quan chỉ là một nhân vật tiểu thuyết mà tác giả đặt vào thời Càn Long (1736-1796) !
Trở lại truyền thuyết, sau khi chùa Thiếu Lâm bị hỏa thiêu, Hồng Hy Quan trốn tránh tại tỉnh Quảng Đông và truyền môn võ cho Lục A Thải. Lục A Thải dạy cho Hoàng Thái. Sau Hoàng Thái, người lãnh hội môn Hồng Gia Quyền là Hoàng Kỳ Anh (thế kỷ thứ 19), thuộc Quảng Đông thập hổ, cùng một thời với Thiết Kiều Tam. Đệ tử đắc ý của Hoàng Kỳ Anh là người con trai, Hoàng Phi Hồng (1847-1924), một danh sư tỉnh Quảng Đông vào cuối thế kỷ thứ 19.
Theo chúng tôi nghỉ, môn Hồng Gia bắt nguồn từ ba nhân vật Lục A Thải, Hoàng Kỳ Anh và Lương Khôn (1813-1886) tự Thiết Kiều Tam (xem phả hệ). Trong một dịp khác, chúng tôi sẽ đi sâu hơn vào vấn đề nầy.
Theo như sách ghi lại, sau đó Hoàng Phi Hồng có thọ giáo với Lục A Thải, chuyện nầy được kể lại trong phim "Lục A Thải và Hoàng Phi Hồng" thực hiện bởi Lưu Gia Lương vào năm 1976.
Hoàng Phi Hồng dạy tại Quảng Đông khá nhiều học trò, trong đó có Lâm Thế Vinh là trình độ võ công cao, ông đã soạn ba quyển sách : "Công tự phục hổ quyền", "Hổ hạc song hình quyền" và "Thiết tuyến quyền" xuất bản vào thập niên 1920.
Tại Trung Quốc, vào thập niên 1960, võ phái nầy là một trong những tiêu chuẩn cho sự sáng tạo môn Nam Quyền (Nan Quan) tân thời. Hiện nay, Hồng Gia thịnh hành tại Trung Quốc, Hương Cảng, Đài Loan, Mỹ Châu và Âu Châu.

Đặc điểm của môn phái
Hồng Gia có đòn thế đơn giản và phát lực hùng mạnh, phong cách đánh rộng và tấn thấp (trường kiều đại mã). Chiêu thế bắt chước điệu bộ của năm con thú : long, hổ, báo, xà và hạc.
Phần đông học giả đều ghi lại là thời Hoàng Phi Hồng, chương trình môn Hồng Gia có năm bài quyền chánh : Công tự phục hổ quyền, Hổ hạc song hình quyền, Ngũ hình quyền, Thập hình quyền và Thiết tuyến quyền.
Chính Lâm Thế Vinh thêm những bài như Mai hoa quyền, Lưu gia quyền, Xuyên tâm chưởng, Hồ điệp chưởng...
Xin lược trình sau đây năm bài quyền chánh của môn Hồng Gia.

Lúc nhập đề phim "Phương Thế Ngọc và Hồng Hy Quan", hai bài mang tên "Công tự phục hổ quyền" và "Hổ hạc song hình quyền" chế bởi Lưu Gia Lương, được biểu diễn bởi Phó Thanh và Trần Quang Thái, cho nên hai bài nầy được biết hơn những bài khác.
Công tự phục hổ quyền :
Toàn bài đi theo hình chữ Công (工), và hàm chứa thế căn bản của môn phái như Mỹ nhân chiếu kính, Bàng thủ, Hồ điệp chưởng, Bạch xà thổ tín, Hổ trảo pháp, Hổ vĩ cước... Bài dẫn nhập những thế hổ trảo, chụp tay địch rồi phản công trên trung tâm tuyến. Môn sinh đã bắt đầu luyện lực qua những thế gồng gân hợp với hơi thở. Như bốn bài sau, Công tự phục hổ quyền rất dài nên luyện cho người tập có một phong độ tốt.

Hổ hạc song hình quyền :
Bài nầy, mà phần đông học giả cho là sáng tác bởi Hoàng Phi Hồng, chú trọng tới Hổ quyền và Hạc quyền. Tất cả các bài Hồng Gia đều có những thế vận lực, bài Hổ hạc song hình không vượt lệ đó, nhưng có thêm chiêu thế có tính đàn hồi thuộc Hạc quyền như Hạc chủy trầm tranh (thế hạc mổ), Độc cước phi hạc (hạc xòe cánh, một chân đá), vân vân. Phần Hổ quyền bao gồm các thế đánh hổ trảo theo Cung tiển mã và Tý ngọ mã, di chuyển theo tám hướng. Bộ pháp Túy quyền thể hiện qua thế "Túy tửu bát tiên". Như vậy bài kết hợp sự dũng mãnh của con hổ với sự nhanh nhẹn của con hạc!

Ngũ hình quyền :
Bài chia thành năm phần, theo thứ tự là : Long quyền, Xà quyền, Hổ quyền, Báo quyền và Hạc quyền.
Không như phim ảnh cho ta thấy, Long quyền không có áp dụng chiến đấu, toàn bộ là các thế vận gân chuyển cốt hợp với vận khí xuống Đan Điền và cột xương sống di động, tất cả đều đánh trong ba thế tấn "Nhị tự kiềm dương mã", "Tứ bình mã" và "Cung tiển mã". Nghịch lại với Vịnh Xuân Quyền, tấn "Nhị tự kiềm dương mã" không được sử dụng trong lúc giao đấu.
Hai phần Hổ và Hạc quyền giống như trong bài trước.
Xà quyền chú trọng tới những thế xỉa liên hoàn vào thượng, trung và hạ bộ, các thế gạt trên và dưới với bàn tay .
Báo quyền chủ luyện đòn đấm đặc biệt dùng đốt thứ nhứt năm ngón tay, và đòn đánh bạt lưng quyền từ trên xuống dưới (quải trùy).

Thập hình quyền :
Bài nầy là Ngũ hình quyền thêm vào Ngũ hành quyền, ngũ hành trong dịch lý Trung Hoa là : kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Chiêu thế theo Kim quyền chủ đánh chậm, bắp thịt gồng, chủ ý luyện lực. Mộc quyền gồm đòn thế ngắn và hai tay cùng lúc đánh đỡ. Phần Thủy quyền thì hai tay nhu nhuyễn, một tay đánh tới một tay rút về như những làn sóng. Hỏa quyền lấy đặc tính của lửa nên đòn thế liên hoàn, hai tay đấm liên tiếp, một tay có thể đánh liên tục hai đòn. Thổ quyền dùng tấn thấp, đòn đánh rộng, và từ dưới đánh lên.

Thiết tuyến quyền :
Bài dung hợp thế gồng gân, trầm khí Đan Điền và vận động cột xương sống trong tư thế bất động và chuyển động. Là bài luyện lực và phát kình của môn phái, chứa đựng phần Long quyền trong bài Ngũ hình quyền bổ túc thêm nhiều động tác khác. Môn sinh luyện hít thở thành tiếng (ha ha, tích, xì, hu..). Luyện toàn bài đòi hỏi hơn nữa tiếng đồng hồ.

Trong các bài quyền khác do Lâm Thế Vinh sáng tạo, ta có thể thấy sự ảnh hưởng của quyền thuật Bắc Phái : hướng đi qua bên trái sau khi chào, các thế Tuyền phong cước và Giao tiển cước.

Môn phái có những bài binh khí như sau : Hầu côn, Lưu gia côn, Ngũ lang bát quái côn, Ngũ lang bát quái đối đả côn, Tử mẩu song đao, Phách quải đao, Mai hoa thập tự thương, Xuân thu đại đao, Mai hoa thất tiết tiên, Mai hoa song tam tiết tiên...
Riêng bài Ngũ lang bát quái côn, tương truyền có tên như vậy vì xuất từ người anh thứ năm (Ngũ lang) trong gia đình họ Dương danh tiếng về thương, nhưng vì xuất gia nên phải sử dụng côn, và đánh theo tám hướng (Bát quái); đây củng là đề tài của một phim của Lưu Gia Lương ra mắt khán giả vào năm 1984. Trên thực tế, bài sử dụng trường côn và dẫn nhập những thế tuy đơn giản nhưng bao bộc tám hướng và vận dụng bộ pháp, eo, thân và cổ tay để tránh và phá thế côn địch. Trong bài đặc biệt ba thế luyện lực cho đôi tay được lập đi lập lại hơn chín lần.
Thương pháp bị ảnh hưởng bởi võ thuật miền Bắc nên hướng đi của bài, cách cầm thương tay trái trước và đường nét kỹ thuật đều theo Bắc Phái. Theo vài học giả, đây là công của Lâm Thế Vinh.
***

Những phim thời trước Lưu Gia Lương chỉ chú tâm đến Hoàng Phi Hồng. Lưu Gia Lương đã khai thác tất cả những nhân vật trong phả hệ của Hồng Gia. Hoàng Phi Hồng là khuôn mặt biểu hiệu của môn phái. Lâm Thế Vinh là người có công truyền bá môn võ : sách ông soạn đã giới thiệu võ phái và phần đông những bậc thầy hiện nay đang dạy Hồng Gia ngoài Trung Quốc là đệ tử đời thứ hai của ông.


Tài liệu tham khảo

1) Lâm Thế Vinh, Công tự phục hổ quyền, Hương Cảng,
2) Lâm Thế Vinh, Hổ hạc song hình quyền, Hương Cảng,
3) Lâm Thế Vinh, Thiết tuyến quyền, Hương Cảng,
4) John Leong, Begining Hung-gar Kung-fu, Mỹ Quốc,
5) Hoàng Giám Hành, Việt hải võ lâm xuân thu, Trung Quốc, 1982,
6) Jane Hallander, The forms of Hung Gar, báo Inside Kung-Fu, tháng 7, 1983,
7) Vũ Trường, Các môn phái Thiếu Lâm vùng Chợ Lớn, báo Sổ Tay Võ Thuật số 28, Việt Nam, 1995.


Nguyễn Quí Jacques & Dufresne Thomas
Báo Sổ tay Võ Thuật số 46, tháng 4 năm 1997