03 août 2007
Thích Kế Quang, đơn giản và hữu dụng trong võ thuật Trung Hoa
Trong lịch sử võ thuật Trung Hoa, có những nhân vật mà ai cũng đều biết đến, như hòa thượng Đạt Ma, đạo sĩ Trương Tam Phong hay đại tướng Nhạc Phi, mà truyền thuyết gán cho nhiều công lao. Ngược lại có những danh tài dù có bằng chứng khoa học xác nhận công trình của họ, nhưng lại ít người nhắc đến. Đó là hai đại tướng Thích Kế Quang và Du Đại Du. Lần lược trong hai bài, chúng tôi xin giới thiệu công lao của hai vị nầy. Và bài nầy xin trình bày gia tài do Thích Kế Quang truyền lại.
Thích Kế Quang (1528-1588) người tỉnh Sơn Đông, miền Bắc Trung Quốc, thuộc gia đình truyền thống quan võ, từ nhỏ, được cha cho theo học văn chương và binh thư. Từ 1544, lúc 16 tuổi, ông thừa kế cha chức phó tư lệnh thành Đăng Châu. Tới năm 1549, tại Sơn Đông, ông đổ võ cử nhân, nhưng năm sau rớt khoa võ tiến sĩ tại Bắc Kinh. Lúc đó quân Mông Cổ vượt qua Trường thành đánh vào thành Bắc Kinh nên ông ở lại tham gia bảo vệ kinh thành. Sau ông trở lại Sơn Đông, cho tới năm 1555 được phong chức tham tướng tại Triết Giang, hợp tác với Du Đại Du đánh quân cướp biển người Nhật. Ông huấn luyện 3000 quân qua "Uyên ương trận", cốt ý chống lại quân Nhật đáng sợ với đường tên chính xác và đao có thể cắt đứt võ khí binh lính Trung Quốc. Trận pháp gồm người mang đồ đở để chống lại tên, người cầm cây trúc còn nhánh cây dùng để làm chậm bước tiến của người Nhật dùng đao, trong lúc người mang trường thương thừa cơ hội đâm quân cướp. Nhưng phải chờ tới năm 1567, quân Nụy Khấu mới được dẹp tan.
Vào thời đó ông nhờ Du giới thiệu học với Lý Lương Khâm côn thuật. Và năm 1567, ông được phong chức phó tư lệnh tại Bắc Kinh.
Tại Triết Giang, vào 1560, ông bắt đầu soạn quyển "Kỹ hiệu tân thư", tới 1562 mới có dịp xuất bản. Tác phẩm gồm 18 quyển, trong đó quyển thứ 14 "Quyền kinh tiệp yếu thiên" luận bàn về quyền thuật, chứa đựng 32 thế, tuy đơn giản nhưng hữu dụng. Quyển thứ 10 là "Trường binh đoản dụng thuyết thiên" ghi lại 24 thế thương, quyển thứ 11 có "Đằng bài tổng thuyết thiên" với 8 thế dùng khiêng, và "Lang tiển tổng thuyết thiên" dạy 6 thế lang tiển của Trần Đệ. Quyển thứ 12, "Đoản binh trường dụng thuyết thiên" chép lại chương "Kiếm kinh" của Du Đại Du với 14 hình song đấu côn. Và quyển thứ 13 "Xạ pháp thiên" là của đại tướng Du, ghi lại cách bắn cung.
Lúc ông chiến đấu quân cướp biển Nhật, ông nhận định là đao Nhật đơn giản nhưng lợi hại nên trong lần tái bản đã giảng về môn đao nầy trong hai chương "Yêu đao giải" và "Trường đao giải".
Mở đầu cho phần quyền thuật, ông viết : "Quyền pháp không can dự đến trận chiến, chỉ để hoạt động tay chân, chăm sóc thân thể, dẫn nhập cho binh thuật" (Quyền pháp tự vô dự ư đại chiến chi kỹ, nhiên hoạt động thủ túc, quán cần chi thể, thử vi sơ học nhập nghệ chi môn dã). Như vậy quyền thuật chỉ là kỹ thuật phụ trong quân đội dưới triều đại nhà Minh.
Tuy vậy hiện nay trong hơn nữa số bài quyền của chùa Thiếu Lâm, chúng tôi có thấy ít nhứt một thế của Thích Kế Quang, và có thể nêu ra vài thế như Thất tinh, Đơn tiên, Kim kê độc lập, Đảo tháp thế, Chỉ đang thế, Nhất điều tiên, Khóa hổ, Đương đầu pháo.
Đường Hào (1897-1959), lịch sử gia võ thuật Trung Hoa, có tìm được 29 thế của họ Thích trong 7 lộ của Trần gia Thái Cực Quyền xưa.
Và có hai thế thương của Thích Kế Quang còn lưu lại trong Trần gia Thái Cực Quyền và Thiếu Lâm Phái : Khóa kiếm thế và Triều thiên thế.
Như vậy hai môn phái quan trọng của Trung Quốc đều chịu sự ảnh hưởng của Thích Kế Quang, qua trung gian của Du Đại Du, bạn thân của ông. Vì họ Du có truyền võ thuật cho một nhà sư chùa Thiếu Lâm, chuyện nầy chúng tôi sẽ bàn trong bài sau. Và chúng tôi có chứng minh sự liên hệ giữa Thiếu Lâm Quyền và Thái Cực Quyền của họ Trần.
Phần binh khí có ghi lại tám thế thương căn bản (Bát mẩu thương khởi thủ) nền tảng của thương pháp hiện đại, hiện vẫn còn lưu truyền trong tất cả các môn phái. Trong đó có ba thế quan trọng là "Lan nả trát", lan là quấn đầu thương nghịch chiều kim đồng hồ để gạt một đòn đâm, nả là thế đi theo chiều kim đồng hồ nhằm tấn công vào tay trước của địch để rồi đâm (trát) vào thân hay cổ địch.
Thích Kế Quang có ghi lại bốn nguyên lý chiến đấu.
Nguyên lý "Thường sơn xà trận pháp" chép lại từ Tôn Tử binh pháp (thế kỷ thứ 5 trước Tây Lịch) được ông áp dụng trong quyền thuật : "chánh như Thường sơn xà trận pháp, đánh đầu thì đuôi tiếp ứng, đánh đuôi thì đầu tiếp ứng, đánh thân thì đầu và đuôi tương ứng" (chánh như Thường sơn xà trận pháp, kích đầu tắc vỹ ứng, kích vỹ tắc đầu ứng, kích kỳ thân nhi đầu vỹ tương ứng). Trong Vịnh Xuân chi thủ, khi địch chụp tay phải ta, tay trái ta liền tấn công ; khi địch chụp cổ tay phải ta, ta liền tiến sát gần đánh tấp chỏ phải. Lúc luyện Thái Cực thôi thủ, nếu chỏ ta bị chụp, ta liền dùng vai hất địch. Trong bài Tinh Võ Hội Hợp chiến quyền, khi ta bị bẻ tay, ta liền xoay người theo chiều bẻ tay, dùng tay kia chụp cổ đối thủ.
Chiến thuật trá bại được đại tướng trình bày trong ba chương về quyền, côn và thương. Đó là ba thế "Đảo kỳ long", "Tẩu mã hồi đầu thức" và "Dương du trá hồi thương pháp". Đây là chiến thuật giả bộ thua chạy dụ địch đuổi theo để xoay người đánh một quyền hay đâm một thương, còn lưu lại trong các bài binh khí như Trung Ương Quốc Thuật Quán Tam tài kiếm, Tinh Võ Hội Ngũ hổ thương, Thất Tinh Đường Lang Yến Thanh đơn đao, Vĩnh Xuân Bạch Hạc Song long xuất thủy song đao, Trần Gia Thái Cực Thập tam can, Trần Gia Thái Cực Xuân Thu đại đao... Quyền thuật tại hai tỉnh Quảng Đông và Phước Kiến, có thế giả thua xoay lưng chạy rồi ngồi xuống đất để bất thình lình xoay người lại ném cát vào mắt địch hay nhảy lên đá vào hạ bộ đối thủ, thế có tên là "Linh miêu hí thử" (mèo đùa giởn với chuột !).
Nguyên lý "hư thật" và "kỳ chánh" xuất từ Tôn Tử binh pháp được áp dụng trong quyền thuật. Hư thật và kỳ chánh chỉ sự dối trá để lừa địch, đòn đầu là hư và đòn sau là thật. Nhưng hai đòn đầu cũng có thể là hư chỉ đòn thứ ba và thứ tư mới là thật, đây là "Hư hư thật thật" hay "Kỳ kỳ chánh chánh". Địch không biết lúc nào là hư lúc nào là thật !
Khái niệm "tiểu môn" và "đại môn" là nền tảng của võ thuật Trung Quốc. Muốn tấn công địch như muốn vào nhà, muốn vào nhà thì ta phải mỡ cửa, nhà xưa đều có hai cửa : cửa trước và cửa sau. Đại môn là khoảng cách giữa hai tay, là cửa trước, tiểu môn là hông hay lưng địch, là cửa sau. Đường đi vào đại môn ngắn hơn nhưng nguy hiểm hơn vì địch có thể phản công dễ dàng. Ta tấn công vào đại môn khi ta ra đòn trước, khi thế lực ta mạnh hơn. Khi đòn địch không nằm trên trung tâm tuyến thì ta tiến vào cửa chánh vừa đở vừa tấn công.
Thường ta chờ địch tấn công để kéo tay địch qua một bên buộc địch mở tiểu môn để ta xâm nhập, như Thích Kế Quang giải thích trong thế "Phao giá tử". Đây là nguyên lý rất quan trọng trong võ thuật Trung Hoa. Bát Quái Chưởng vừa niêm kéo tay địch qua một bên vừa chạy qua bên kia để đánh vô lưng địch. Vịnh Xuân né mình qua bên và hất tay đối thủ để tấn công vào bên hông. Bắc Phái Đường Lang Quyền tiến vào trung môn kéo tay địch qua bên để tấn công.
Khi ta nghiên cứu qua 32 thế quyền của đại tướng, ta có thể thấy vài chiến lược khác như "Thanh đông kích tây" (Làm tiếng động hướng đông nhưng đánh hướng tây) và "Thượng kinh hạ thủ" (Làm địch sợ hải ở trên để tấn công ở dưới).
Và nguyên lý quan trọng khác là "tiệt đả", hiện nay là căn bản của võ thuật Trung Quốc : vừa tiếp đón đòn địch lúc chưa phát triển trên đường chính diện, vừa phản công.
Gia tài Thích Kế Quang để lại là nhiều thế võ đơn giản kèm theo vài nguyên lý chiến đấu đã ảnh hưởng rất nhiều môn phái cận đại, trong đó có hai môn phái lớn là Thiếu Lâm Quyền và Thái Cực Quyền. Những nguyên lý ông truyền lại, tuy giảng nghĩa phức tạp nhưng trong thực dụng rất đơn giản và hữu hiệu.
Nguyễn Quí Jacques & Dufresne Thomas
Báo Thể thao thành phố Hồ Chí Minh số 179 (ngày 22/10/2001) và số 184 (ngày 29/10/2001)
Tài liệu tham khảo :
Thích Kế Quang, Kỹ hiệu tân thư, Trung Quốc,
Dictionary of Ming biography, volume I, Columbia University Press, Mỹ, 1976,
Matsuta Takachi, Trung Quốc võ thuật sử lược, Trung Quốc, 1984,
Mã Hiền Đạt và đồng nghiệp, Trung Quốc võ thuật đại tự điển, Trung Quốc, 1990.
01:00 Publié dans Articles en vietnamien | Lien permanent | Commentaires (0) | Tags : Thích Kế Quang, Thich Ke Quang, Du Đại Du, Du Dai Du, Thái Cực Quyền, thương pháp