Ok

En poursuivant votre navigation sur ce site, vous acceptez l'utilisation de cookies. Ces derniers assurent le bon fonctionnement de nos services. En savoir plus.

26 décembre 2020

Roi đánh nghịch, Đánh lướt, Tiệt, Hoạt

Trong quyển « Lịch sử võ học Việt Nam », Phạm Đình Phong tự Phạm Phong (sanh 1952) có kể là tại Bình Định cuối thời Tây Sơn (1778-1802) có lưu truyền hai chiến thuật đánh roi :

  • Roi đánh nghịch (lấy nghịch chế thuận), sau là sở trường của Hồ Nhu (1886-1976), danh sư làng Thuận Truyền,
  • Roi cộng lực.

Họ Phạm tả Roi đánh nghịch như sau :

« Đến gần cuối thời Tây Sơn còn xuất hiện các loại Roi « đánh nghịch », Roi « cộng lực ». Loại hình này được lưu truyền ở một số dòng tộc nổi tiếng ở Bình Định, nhưng tiếc thay đến nay đã bị thất truyền. Theo các võ sư tiền bối và tương truyền, Roi « đánh nghịch » (lấy nghịch chế thuận) là đánh ngược chiều với Roi thông thường (Roi thông thường đánh theo chiều thuận), nhằm gây bất ngờ, làm cho đối phương lúng túng, hoang mang mất phương hướng, xoay trở không kịp. Bởi vì một khi đang ở tư thế chuyển động đường roi theo hướng thuận cùng với ngọn roi của đối phương, bổng bất thần chuyển thế và nhanh như chớp đổi hướng xoay ngược đường roi, làm cho đối thủ ngỡ ngàng bị mất đà, không kịp kéo ngọn roi về truy cản. Chính thời khắc lúng túng, ngỡ ngàng này người bày mưu nhanh chóng phát hiện sơ hở để tung đòn quyết định, hạ nhanh đối phương. »

« Tuy nhiên, việc sử dụng bí quyết này phải hết sức tinh tường, linh hoạt và chỉ áp dụng trong từng đối thủ, từng tình huống và địa hình cụ thể. Đặc biệt phải biết sử dụng thuần thục « bộ triệt » một cách quyết đoán, nhất là khi bị đối phương có trình độ võ công cao hơn, tinh lực thâm hậu hơn, thì phải lập tức « đảo ngược tình thế » chuyển phách roi theo hướng thuận rồi đảo thế áp sát đường roi tấn công vào ngọn roi của đối phương đang khai triển, nhằm « cộng thêm sức lực » của cả hai để bất thần đảo ngược đường roi và nhanh như chớp tiến tới đâm thế « so đũa » hay biến thành thế « Lạc côn » để đâm vào tử huyệt... »

[Phạm Phong 2012 : 499]

Từ nghịch ở đây chỉ định động tác đi ngược lại đường roi của đối thủ.

Thông thường người mới học gạt đòn công của đối phương qua bên, lên trên hay xuống dưới.

Nhưng Roi đánh nghịch là một lối đỡ gạt khác, và đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn.

Phạm Phong thuật lại :

« Đặc điểm roi Hồ Nhu thường đánh nghịch, lấy nghịch chế thuận [...] và khi bị đối phương tấn công thì không đỡ mà lượn theo ngọn roi của đối phương để trả đòn, để đánh hạ đối thủ.»

[Phạm Đình Phong 2000 : 103]

 

Đây là một áp dụng của nguyên lý Tiệt () thông dụng trong võ thuật Trung Quốc, thế gạt đánh tới trước, nghinh đón và đưa đòn công của địch ra ngoài Trung tuyến, thường bằng một động tác xoắn ốc, để rồi tiếp tục đánh vào thân thể đối thủ. Đòn đỡ và đòn công được thực hiện trong một động tác.

Ngô Trọng Sơn phân biệt hai phương pháp :

  • Đánh lướt,
  • Đánh vuốt.

Đánh lướt, dũng mãnh, chiếm trung tuyến, hất binh khí của đối thủ. Trong khi Đánh vuốt, tế nhị hơn, dùng áp lực nhỏ, tinh tế hơn. Trong hai trường hợp côn của ta trượt trên côn đối thủ, thân côn nầy như « đường rày xe lửa » dẫn đòn công của ta tới địch nhân.

 

Phương thức « đỡ rồi phản đòn » diễn qua hai động tác, quá chậm, vì địch thủ có thời giờ tấn công tiếp một lần nữa.

Vì vậy, năm 1553, nhà kiến trúc, kỹ sư và kiếm sĩ người Ý, Camillo Agrippa, trong quyển « Trattato di Scienza d’Arme » (Luận về khoa học vũ khí) gọi Medesimo tempo (Đồng thời) cách thức đỡ và phản công trong một động tác.

a- Xoắn ngang

Tại Bình Định, Quách Tạo có tả thế Đâm so đũa, một thí dụ điển hình của Roi đánh nghịch :

« Tay sau vừa vòng lên (hoặc xuống) gạt ngọn roi đối phương, vừa đẩy roi ra trước đâm tới hoặc cùng tay trước cộng sức đâm tới. Thế đâm so đũa bao giờ cũng chiếm tiên cơ. »

[Quách Tấn và Quách Giao 2001 : 38]

Hai thân côn nằm song song như ta so đũa trước khi ăn cơm.

Thế côn của ta, với một động tác xoắn ốc, tiến nghinh đón và hất thế đâm của đối thủ ngoài Trung môn bằng lực ly tâm, và tiếp tục đâm vào thân của địch thủ.

Phương trình được viết như sau :

Lực ly tâm = m x ω² x R

 

m là khối lượng, ω là tốc độ xoay của côn, R là đường bán kính của cán côn.

Vậy với cây côn nặng và to, ta hất dể dàng hơn côn địch nhân ngoài trung tuyến. Nhưng tốc độ quan trọng hơn, vì trong phương trình trên, ta có : ω² (ω bình phương) nên ta phải luyện tăng tốc độ bằng cách xoay cổ tay.

Cổn trát (滚劄) là một trong mười thế Trát pháp (劄法) của quân sư Trung Quốc Đường Thuận Chi và cùng là thế tương đương với thế Đâm so đũa.

Phái Âm bả thương (隂把槍) chuyên luyện bài Du thương (悠槍), là rút thương về và đâm bằng động tác xoắn ốc trên trung tuyến.

 

Nghệ thuật đánh thương và roi

Nguyễn Quí Jacques và Thomas Dufresne

Les commentaires sont fermés.