Ok

En poursuivant votre navigation sur ce site, vous acceptez l'utilisation de cookies. Ces derniers assurent le bon fonctionnement de nos services. En savoir plus.

13 août 2010

Những phát hiện mới về Thái Cực Quyền

 

Năm 2003, quyển Lý thị gia phổ (李氏家譜) được khám phá. Quyển chép tay đó là nguyên tác của Lý Nguyên Thiện (李元善, 1642-?), soạn vào năm 1716. Lịch sữ gia Vương Hưng Á (王興亞, sanh năm 1936) đã nghiên cứu bản sao này. Sách có ghi lại là hai họ Lý và Trần (Trần Vương Đình) là bà con họ hàng.

Và ta có thể đọc là Lý Xuân Mậu (
李春茂, 1568-1666) có học quyền, kiếm, thương, cung, binh thư, và đạo giáo với Bác Công Võ Dạo (博公武道) tại chùa Thiên Tải (千載寺), tại làng Đường thôn (唐村), huyện Bác Ái (博愛縣), tỉnh Hà Nam (河南). Đường thôn cách Trần gia câu, khoảng 20 cây số. Và chùa Thiên Tải thờ Đạo, Phật và Khổng giáo. Trong cung Thái Cực (太極宮) của chùa, Lý Xuân Mậu đã tập hai môn Vô Cực dưỡng sinh công (Wuji Yangsheng Gong, 無極養生功) và Thập tam thế quyền (十三勢拳). Và họ Lý sau đó có soạn vào năm 1590, hai bài Vô Cực dưỡng sinh quyền luận (無極養生拳論) và Thập tam thế hành công ca (十三勢行功歌). Bài cuối này rất giống bài Thập tam thế hành công ca của Vương Tông Nhạc (王宗嶽).

Hai người con của Lý Xuân Mậu là Lý Trọng (李仲, 1598-1689) , Lý Tín (李信, 1606-1644), và cháu của Lý Xuân Mậu là Trần Vương Đình  củng có tập võ tại chùa Thiên Tải. Ba anh em sau có chế tác môn Thái Cực dưỡng sinh công (太極養生功). Lý Trọng là cha của Lý Nguyên Thiện, tác giả của quyển Lý thị gia phổ. Còn Lý Tín với biệt danh Lý Nham (李岩) là một tướng của Lý Tự Thành (李自成, 1606-1645), người lật đổ Sùng Trinh (崇禎, 1611-1644), hoàng đế cuối cùng của triều đại nhà Minh (明朝).

Năm 2002, Diệc Phàm (亦凡) tìm được tại làng Đường, một bản Thái Cực quyền luận (太極拳論), của Lý Hạc Lâm (李鶴林, 1716-1808), cháu cố của Lý Xuân Mậu, viết vào tháng 12 năm 1786. Bài này y như bài cùng tên của Vương Tông Nhạc. Lý Hạc Lâm có soạn bài Đả thủ ca  (打手歌). Ta biết là có một bài ca cùng tên nằm trong Thái Cực quyền phổ gán cho Vương Tông Nhạc.
Theo bô lảo của làng Đường kể lại, trước Cách mạng văn hóa (1966-1976), tại cửa nhà của Lý Hạc Lâm có một tấm bản ghi bốn chữ « Võ nguyên kiệt đệ » (
武元傑第), với chữ ký « Môn đệ Vương Tông Nhạc » (門弟王宗嶽), viết vào « Càn Long ngũ thập bát niên » (乾隆五十八年), tức là năm 1793.
Xin nhắc lại là các bài luận của Vương Tông Nhạc được tìm thấy bởi người anh của Võ Vũ Tường vào năm 1852, trong một tiệm bán muối  tại huyện Vũ dương (
舞陽县). Và con trai của Lý Hạc Lâm là Lý Vĩnh Đạt (李永達) là chủ một tiệm bán muối tại huyện Vũ dương.
Những sự kiện này làm sáng tỏ nguồn gốc của môn Thái Cực quyền, chúng tôi sẻ bàn nhiều hơn trong các bài sau…