Ok

En poursuivant votre navigation sur ce site, vous acceptez l'utilisation de cookies. Ces derniers assurent le bon fonctionnement de nos services. En savoir plus.

25 novembre 2006

VỊNH XUÂN QUYỀN, truyền thuyết và thực tại

medium_STVT47_VinhXuan001.jpg

Vịnh Xuân Quyền là một trong những môn võ phát triển mạnh ngoài Trung Quốc (Việt Nam, Mỹ, Âu Châu). Vì khuôn khổ hạn hẹp của bài báo nên một khảo sát có tính khoa học về lịch sử và lý thuyết của môn phái không thể hoàn thành. Bài nầy chỉ ghi nhận những điều gom góp từ tư liệu, sự học hỏi và hiểu biết của tác giả.

I- Nguồn gốc và phát triễn
Tại Quảng Đông và Hương Cảng, hiện lưu hành 2 thuyết về nguồn gốc của môn Vịnh Xuân Quyền.

1) Thuyết của Diệp Vấn và Lương Quang Mãn :
Thuyết của Diệp Vấn (Yip Man) cho Vịnh Xuân Quyền bắt nguồn từ Ngũ Mai sư thái, một trong năm người tương truyền đã trốn thoát cuc hỏa thiêu chùa Thiếu Lâm vào thế kỷ thứ 18. Bốn người kia là Phùng Đạo Đức, Chí Thiện thiền sư, Bạch Mi đạo nhân và Miêu Hiền.
Ngũ Mai sư thái, sau khi nhìn một cuộc ấu đả giửa con hạc và con cáo, sáng tác ra môn quyền mới rồi truyền môn đó lại cho Nghiêm Vịnh Xuân. Nghiêm dạy lại cho chồng là Lương Bác Trù. Lương Bác Trù sau đó cho tên là Vịnh Xuân Quyền.
Đệ tử của Lương Bác Trù là y sỉ Lương Lan Quế. Lương Lan Quế truyền cho Hoàng Hoa Bảo, diễn viên của một đoàn hát dạo. Vào thời đó, Vịnh Xuân Môn chỉ có quyền thuật và môn đao pháp gọi là Bát trảm đao. Trong đi hát của Hoàng Hoa Bảo, có một người lái thuyền, tên là Lương Nhị Để, giỏi môn Lục điểm bán côn (môn côn pháp nầy Lương học với... Chí Thiện thiền sư!). Hai người trao đổi nhau quyền, đao và côn. Lương dựa theo lý thuyết của Vịnh Xuân để sáng tác ra phương pháp "Li côn" (Niêm côn), tương tự như phương pháp "Li thủ" (Niêm thủ).
Theo Lương Quang Mãn (Quảng Đông), Nghiêm Vịnh Xuân không học với Ngũ Mai sư thái, mà sáng chế môn võ sau khi nhìn thấy bạch hạc đánh với thanh xà. Bà cùng với chồng là Lương Bác Trù đến Quảng Đông truyền dạy Vịnh Xuân Quyền cho bốn người hát dạo là Hoàng Hoa Bảo, Lương Nhị Để, A Cẩm (còn có tên là Đại Hoa Diện Cẩm) và Tôn Phước.
Lương Nhị Để truyền cho Lương Tán, người tỉnh Phật Sơn, một lương y với biệt danh là "Vịnh Xuân Quyền vương". Ông có bốn người học trò : hai đứa con trai là Lương Xuân và Lương Bích, Mộc Nhân Hoa và Trần Hoa Thuận tự Hoa Tiền Hoa.
Trần Hoa Thuận có tất cả 16 học trò : con trai Trần Nhử Miên, những đệ tử Ngô Trọng Tố, Lôi Nhử Tể, Diêu Tài, Quách Bảo Toàn, Diệp Vấn... Sau khi Trần Hoa Thuận mất, Diệp Vấn tiếp tục học với Ngô Trọng Tố. Sau đó Diệp Vấn được may mắn thọ giáo với Lương Bích, con trai của Lương Tán.
Trên đây chỉ ghi lại những điều được truyền lại trong giới võ thuật, dỉ nhiên chúng tôi không tin là chuyện Nghiêm Vịnh Xuân và Ngũ Mai có thật.

2) Thuyết của Bành Nam và Diệp Chuẩn :
Hiện nay tại tỉnh Quảng Đông, Vịnh Xuân Quyền vẩn được truyền dạy.
Theo Bành Nam (Pan Nam, 1909-1995), truyền nhân đời thứ hai của Lôi Nhử Tể và Trần Nhử Miên, môn Vịnh Xuân bắt nguồn từ ni cô Nhất Trần. Bà có một đệ tử là Trương Ngũ tự Than Thủ Ngũ, người tỉnh Hồ Nam.
Theo Diệp Chuẩn (Yip Chun), con của Diệp Vấn, quyển "Việt kịch sử nghiên cứu" của Khiếu Hà Quân, có ghi lại : "Trước triều Hoàng Đế Ung Chánh, sự phát triển của hát kịch ở tỉnh Quảng Đông rất hạn chế. Vì thiếu sự tổ chức qui mô. Dưới triều Hoàng Đế Ung Chánh (1723-1736), Trương Ngũ, tự Than Thủ Ngũ, người tỉnh Hồ Nam đem thuật hát kịch tới tỉnh Phật Sơn và tổ chức lại Hồng Hoa Hội quán. Từ đó Việt kịch mới phát triển." Sách còn ghi thêm : "Ngoài hát kịch ra, Than Thủ Ngũ còn giỏi võ thuật. Thế "Than thủ" của ông danh tiếng trong Võ Lâm."
Diệp Chuẩn còn tìm được trong "Trung Quốc hí khúc sử" của Mảnh Dao, quyển III, trang 631, xuất bản lần thứ nhất vào năm 1968, đoạn văn như sau : "Dưới triều Hoàng Đế Ung Chánh, Trương Ngũ không ở lại Kinh được, nên phải lẩn tránh tại Phật Sơn. Ông còn có biệt danh là Than Thủ Ngũ, rất giỏi văn chương và võ thuật, tinh thông nhạc và thuật hát kịch. Ông đặc biệt giỏi môn võ của Thiêu Lâm tự. Tại Phật Sơn, ông truyền lại môn hát kịch và võ nghệ trong giới "Hồng Thuyền đệ tử" và thành lập Hồng Hoa Hội quán. Cho tới nay, Trương Ngũ vẩn được tôn là tổ môn kịch của tỉnh Quảng Đông."
Vì chuyện Trương Ngũ tới Phật Sơn xẩy ra dưới triều đại Hoàng Đế Ung Chánh (1723-1736), hơn một trăm năm sự tích Nghiêm Vịnh Xuân (dưới triều Hoàng Đế Đạo Quang trị vì từ 1821 tới 1850) nên Diệp Chuẩn cho thuyết nầy đáng tin hơn. Vả lại thế Than thủ là một đặc kỹ của Vịnh Xuân Quyền, không tìm thấy trong môn phái khác. Và theo Diệp Chuẩn, bộ pháp "Nhị tự kiềm dương mã" thích hợp với sư di chuyển trên thuyền bè, nơi mà những người hát dạo thường sống!
Theo Bành Nam, Vịnh Xuân Quyền truyền từ Than Thủ Ngũ (đầu thế kỷ thứ 18) tới Hoàng Hoa Bảo, Lương Nhị Để và Đại Hoa Diện Cẩm, người trong giới "Hồng thuyền tử đệ".

3) Những nơi phát triển Vịnh Xuân Quyền :
Hiện nay tại Trung Quốc, Vịnh Xuân bành trướng tại tỉnh Quảng Đông. Tại Quảng Châu có Bành Nam, Sầm Năng; tại Phật Sơn có Lương Quang Mãn, Trần Ứng Tùng, Châu Kiện Cường; tại Thuận Đức, có cháu nội của Trần Hoa Thuận; tại Úc Môn, có Lương Quyền... Tất cả đều có nguồn gốc từ Trần Hoa Thuận.
Diệp Vấn (Yip Man, 1898-1972) là người đầu tiên phổ biến môn Vịnh Xuân tại Hương Cảng. Từ Hương Cảng, Vịnh Xuân Quyền bành trướng tới Âu Châu (Pháp, Anh, Đức...), Úc Châu và Mỹ Châu.
Môn Vịnh Xuân nhập Việt Nam nhờ công của Nguyễn Tể Vân (1877-1960). Tại đây, ông được biết với tên là Nguyễn Tế Công hay Cống Xếnh Xáng (Công Tiên sinh). Học trò tại Việt Nam là Nguyễn Duy Hải (1917-1988), Lục Vỉnh Khải (khoảng 1929-1979), Ngô Sĩ Quý, Trần Văn Phùng (1902-1988), Trần Thúc Tiền, Đổ Bá Vinh...
Bài bản ông truyền tại Việt Nam là Tiểu niểm đầu, Mộc nhân thung, Lục điểm bán côn và Bát trảm đao. Ông còn truyền thêm bài Ngũ hình quyền.
Theo Võ Lê, tại Sài Gòn, có Hoắc Phi Hùng, Huỳnh Bá Phước, Phùng Điềm truyền dạy Vịnh Xuân Quyền.
Và cuối cùng, chi phái của Diệp Vấn được lưu truyền vào thập niên 1970 trong một thời gian ngắn tại Sài Gòn.

II- Chương trình và đắc điểm
1) Chương trình :
Tại Trung Quốc và Hương Cảng, quyền thuật bao gồm ba bài quyền : Tiểu niệm đầu, Tầm kiều và Tiêu chỉ, và một bài Mộc nhân thung. Tại Quảng Đông bài Tiêu chỉ được dạy trước bài Tầm kiều. Hai bài binh khí của môn phái là : Bát trảm đao và Lục điểm bán côn.
Tại Việt Nam, Nguyễn Tế Công để lại hai chi nhánh :
- theo Hồ Nam Long, tại Sài Gòn, chi nhánh của Nguyễn Hải tự Hồ Hải Long (1917-1988) truyền dạy ba bài quyền : Tiểu niệm đầu, Ngũ hình quyền và Hạc hình hư bộ, một bài Mộc nhân thung và hai bài Bát trảm đao và Lục điểm bán côn,
- theo Hồ Nam Long, tại Hà Nội, có chi nhánh của Ngô Sĩ Quý; chương trình bao gồm Thủ đầu quyền, Khí công quyền, Ngũ hình quyền tổng hợp, Long quyền, Xà quyền, Hổ quyền, Báo quyền, Hạc quyền, Nhất linh bát (hay Một linh tám) và một bài Mộc nhân thung, trong binh khí có hai bài Bát trảm đao và Lục điểm bán côn.
Tại Việt Nam, chỉ bài đầu tiên (Tiểu niệm đầu hay Thủ đầu quyền) giống với bài Tiểu niệm đầu của chi phái Trung Quốc và Hương Cảng.
Sau đây, xin lược trình các bài bản để trình bày những đắc điểm của môn phái.

2) Tiểu niệm đầu :
Đặc điểm của bài là không chuyển bộ, suốt bài chỉ đứng thế "Nhị tự kiềm dương mã", thân thể hơi nghiêng về sau. Như tên cho thấy, bài chứa đựng những thế căn bản quan trọng của môn phái như Than thủ, Bàng thủ, Nhựt tự xung quyền, Phách thủ, Hộ thủ, Phục thủ... Toàn bài đánh hai tay nới giản, không dùng lực, đòn thế xuất phát trên "trung tâm tuyến".
Bài đặc biệt chú trọng luyện sự biến chuyển từ Phục thủ qua Hộ thủ, lúc luyện hai thế nầy giống như lạy Phật ba lần nên bài còn có tên là Tam bái Phật.

Thiệu bài Tiểu niệm đầu theo Lương Đỉnh (Leung Ting)
1- Mã khai bán bộ chi Nhị tự kiềm dương mã
2- Giao xoa than thủ giao xoa bát thủ cổn thủ thâu quyền
3- Nhựt tự xung quyền khuyên thủ thâu quyền
4- Than thủ bán khuyên thủ hộ thủ phục thủ
5- Trắc chưởng chánh chưởng than thủ khuyên thủ thâu quyền
6- Tả hữu án thủ hậu án thủ tiền án thủ
7- Lan thủ phất thủ lan thủ song chẩm thủ song than thủ tiêu chỉ thủ
8- Trường kiều án thủ song đề thủ thâu quyền
9- Trắc chưởng hoành chưởng thâu quyền
10- Than thủ chẩm thủ quát thủ
11- Lao thủ hạ lộ hoành chưởng thâu quyền
12- Bàng thủ than thủ ấn chưởng thâu quyền
13- Thoát thủ liên hoàn xung quyền thâu thức

Thiệu bài Tiểu niệm đầu theo Lương Quang Mãn (Quảng Đông)
1- Khai thung mã
2- Song giao tiển
3- Bài chỉ
4- Phật chưởng
5- Sát thủ
6- Lạp thủ
7- Xí chưởng
8- Than thủ
9- Bàng thủ
10- Thoát thủ

3) Tầm kiều :
Bài Tầm kiều chú trọng luyện chuyển bộ theo bộ pháp đặc biệt của môn phái. Lúc tiến theo thế "Đạp bộ", chân trước bước kéo chân sau lết theo, trọng tâm thân thể luôn luôn đặt tại chân sau. Lúc địch thủ tấn công, thế "chuyển mã" dời trung tâm tuyến và dẫn đòn đối thủ vào khoảng không. Đây là lý thuyết "dùng bộ pháp tìm tay (tầm kiều) đối thủ", "dùng eo xoay phá giải đòn công của địch"...
Ba thế đá được dẫn nhập : Đề thoái, Trực đăng thoái và Trắc sanh thoái. Môn sinh Vịnh Xuân Quyền thường dùng chân trước để đá, chân vừa đá liền tiến một bước tới để nhập nội liên hoàn đả kích đối thủ.
Những thủ pháp mới được dạy là Chánh thân vấn thủ, Phê tranh, Xuyên kiều, Trắc thân án thủ, Trừu chàng quyền, Đàn kiều xung quyền...

Thiệu bài Tầm kiều theo Diệp Chuẩn (Yip Chun)
1- Mã khai bán bộ chi Nhị tự kiềm dương mã
2- Giao xoa than thủ giao xoa bát thủ cổn thủ thâu quyền
3- Nhựt tự xung quyền khuyên thủ thâu quyền
4- Xuyên kiều chuyển mã cập lan thủ (tả hữu phê tranh)
5- Song phục thủ phách thủ chánh chưởng cập h thủ
6- Chuyển thân lan thủ giao xoa than thủ cập chuyển thân bàng thủ
7- Lan thủ xung quyền phất thủ phục thủ thoát thủ khuyên thủ thâu quyền
8- Cầm lan trắc thân lan thủ khởi đề thoái
9- Hoành đạp bộ trắc thân bàng thủ cập trắc thân giao xoa than thủ tam thức
10- Trừu chàng quyền phục thủ thoát thủ khuyên thủ thâu quyền
11- Trực đăng thoái đạp bộ đê bàng thủ cập song than thủ chánh thân song vấn thủ
12- Song trất thủ song ấn chưởng thâu quyền
13- Chuyển thân trắc sanh thoái trắc thân án thủ đàn kiều xung quyền
14- Liên hoàn xung quyền khuyên thủ thâu thức

Thiệu bài Tầm kiều theo Lương Quang Mãn (Quảng Đông)
1- Khai thung mã
2- Song giao tiển
3- Bài chỉ
4- Tầm kiều
5- Lan kiều thủ
6- Đơn bàng thủ
7- Song bàng thủ
8- Tam không thủ

4) Tiêu chỉ :
Bài Tiêu chỉ áp dụng nguyên lý "Dĩ công vi thủ" và "Dĩ đả vi tiêu". Những kỹ thuật mới là Quải tranh, Trắc thân vấn thủ, Thượng hạ sạn thủ, Khuyên cát thủ, Thượng hạ canh thủ... và bộ pháp Khấu bộ. Riêng thế đánh chỏ, chi phái Hương Cảng chỉ có một đòn (chỏ đánh tréo từ trên xuống), sau Diệp Chuẩn thêm hai thế khác : Phê trửu (chỏ đánh ngang) và Cập trửu (chỏ đánh tréo từ dưới lên) lấy từ chi phái Quảng Đông.
Bài còn dẫn nhập nguyên lý "dùng eo phát lực" và "lực quán chỉ". Và có tên là Tiêu chỉ vì sử dụng rất nhiều thế tiêu chỉ thủ (thế xỉa bằng đầu ngón tay).

Thiệu bài Tiêu chỉ theo Diệp Chuẩn (Yip Chun)
1- Mã khai bán bộ chi Nhị tự kiềm dương mã
2- Giao xoa than thủ giao bát thủ cổn thủ thâu quyền
3- Nhựt tự xung quyền khuyên cát thủ thâu quyền
4- Chuyển thân quải tranh tiêu chỉ thủ thâu quyền
5- Khấu bộ chuyển thân quải tranh tiêu chỉ thủ hạ lộ sạn thủ
6- Phục thủ thoát thủ thâu quyền
7- Chuyển thân quải tranh tiêu chỉ thủ
8- Phục thủ thoát thủ thâu quyền
9- Chuyển thân thượng hạ canh thủ phục thủ thoát thủ thâu quyền
10- Trắc thân vấn thủ chẩm thủ chuyển thân phục thủ thoát thủ thâu quyền
11- Tiêu chỉ thủ chuyển thân thượng lộ sạn thủ phất thủ phục thủ thoát thủ thâu quyền
12- Cầm nả thủ trừu chàng quyền ấn chưởng thâu quyền
13- Tam cúc cung đại huýnh hoàn thủ
14- Liên hoàn xung quyền khuyên thủ thâu quyền

Thiệu bài Tiêu chỉ theo Lương Quang Mãn (Quảng Đông)
1- Khai thung mã
2- Song giao tiển
3- Bài chỉ
4- Cập trửu
5- Quải trửu
6- Phê trửu
7- Nhị đồng thủ
8- Dương thủ
9- Tháp chùy
10- Bái phật

5) Li thủ và li cước :
Phương pháp "Li thủ" phát triển phản xạ đôi tay, môn sinh nhập nội vừa tiếp tay đối phương là tìm được sơ hở, tức thì tấn công. Chủ đích là đạt tới trình độ hai tay đánh đỡ không cần suy nghỉ. Tại Việt Nam, phương pháp có tên là "Niêm thủ".
"Li đơn thủ" (tập niêm thủ một tay) được dạy sau bài Tiểu niệm đầu. Đơn li thủ kết hợp theo một chu kỳ những thế Than thủ, Phục thủ, Chánh chưởng, Chẩm thủ, Nhựt tự quyền và Bàng thủ, và chú trọng sự chuyển biến giữa hai thế Than và Bàng thủ.
"Li song thủ" bắt đầu với "Bàn thủ" và tiếp với phương pháp "Nhất phục nhị" để cuối cùng tới li thủ tự do, áp dụng nguyên lý "Bất truy thủ", "Tá lực xảo đả", "Tiêu đả đồng thời", "Tá lực phản đàn, khiêu kiều sang công", "Kiều để xuyên xuất", "Án đầu ngật vỹ", "Lại lưu khứ tống, súy thủ trực xung"...
Trong phương pháp "Li cước" hai người đứng trên một chân, dùng chân kia chạm nhau, tạo sơ hở bằng những đòn móc chân (Khấu thoái) để rồi tấn công bằng những thế đá của môn phái.

6) Mộc nhân thung :
Thủ công phản biến thể hiện rõ trong bài nầy. Bài còn chủ luyện lực, kết cấu của mộc nhân buộc người tập phải biết dùng lực, mới làm rung chuyển thân của mộc nhân. Toàn bài của chi phái Hương Cảng gồm 140 thế sau Diệp Vấn giảm lại còn 116 thế, trong đó có 16 thế cước của môn phái (thật sự là 8 thế nhưng dùng bên trái và bên phải). Đặc biệt hai thế Thập tự thoái và Tiệt tảo thoái, ngược lại với tất cả thế cước khác, dùng chân sau để đá.
Theo Lương Đỉnh (Leung Ting), tám thế cước là : Trực đăng thoái, Hoành sanh thoái, Tà đà tất thoái, Thập tự thoái hay Hoành sái thoái, Tiệt tảo thoái, Khấu đàn thoái, Tà đà cước thoái, Hoành đà tất thoái.
Bài còn phát triển nguyên tắc "Tam giác".
Bài Mộc nhân thung chi phái Quảng Đông có hơn 160 động tác.

7) Lục điểm bán côn :
Cây côn sử dụng trong môn phái thuộc trường côn, dài ít nhất 2 thước rưỡi. Bộ pháp bao gồm Tứ bình mã và Tý ngọ mã là những bộ pháp thực dụng trong những môn phái tỉnh Quảng Đông, khác hẳn với những thế tấn đặc biệt của quyền thuật Vịnh Xuân.
Theo Lương Đỉnh, bảy thế côn căn bản là : Thương, Khuyên cái, Thiêu, Bát, Trừu, Đàn và Bán già.
Côn pháp tuy giới hạn về thế căn bản nhưng được hổ trợ bởi nguyên tắc "Tùy địch chi biến nhi biến", "Dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu" và phương pháp "Li côn".
Phương pháp "Li côn" tương tự như "Li thủ", hai côn giao nhau chuyển động theo "Khuyên côn", từ đó ta tìm hay tạo sơ hở, kiềm chế hay đánh rơi côn đối phương để tiến nhập tấn công bụng, ngực, cổ họng hay màng tang địch thủ bằng những thế "Tiêu long thương", "Bán già"...

8) Bát trảm đao :
Đao sử dụng trong bài thuộc loại Hồ điệp song đao (song tô). Bài chia ra tám đoạn, mỗi đoạn phân tách một thế đao chánh. Như côn pháp, đao pháp áp dụng nguyên tắc kiềm chế hay đánh rơi binh khí địch để nhập nội an toàn kết thúc trận đấu.
Theo Lương Đỉnh, Diệp Vấn chỉ dạy bài Bát trảm đao cho bốn người đệ tử. Hiện nay, nhiều bài đao khác nhau mang tên nầy, khó phân biệt được bài nào truyền lại từ Diệp Vấn.
Theo Diệp Chuẩn, tám đoạn bài Bát trảm đao là : 1) Giáp đao thức, 2) Lập trảm đao, 3) Than trảm đao, 4) Song canh đao, 5) Cổn bàng đao, 6) Nhất tự đao, 7) Vấn đao, 8) Quải đao.

Ngoài những bài nêu trên, Vịnh Xuân Quyền còn có nhiều phương pháp luyện tập phụ thuộc bổ túc : đá Tam tinh thung, đánh bao cát...
***
Lịch sử Vịnh Xuân Môn hổn hợp nhiều truyền thuyết từ nguồn gốc khác nhau, cần xét lại trong một khuôn khổ khác. Chi phái của Diệp Vấn phổ biến hơn những chi phái khác. Vịnh Xuân Quyền sử dụng một số giới hạn đòn thế đơn giản nhưng hữu dụng. Là một phái chuyên cận chiến nên đã phát triển tới mức độ cao phương pháp "niêm thủ thính kình" và nguyên tắc "mượn lực địch để phản công". Riêng Lục điểm bán côn tuy không phải là một võ khí dùng đánh gần nhưng không vượt ngoài lý thuyết đã dựng lên một nên tảng vững chắc cho môn phái.

Tài liệu tham khảo
1) Leung Ting, Wing Tsun Kuen, Hương Cảng, 1978,
2) Genealogy of Ving Tsun Kuen, Hương Cảng, 1990,
3) Yip Chun, 116 Wing tsun dummy techniques, Hương Cảng, 1991,
4) Wu Bin, Li Xingdong và Yu Gongbao, Essentials of Chinese Wushu, Trung Quốc, 1992,
5) Yip Chun và Connor Danny, Wing Chun, skill and philosophy, Luân Dôn, 1992,
6) Võ Lê, Vài danh sư Vịnh Xuân phái trước năm 1975 ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Sổ Tay Võ Thuật 35, năm 1996.

Nguyễn Quí Jacques & Dufresne Thomas
Báo Sổ Tay Võ Thuật số 47, tháng 5 năm 1997

Les commentaires sont fermés.